Laurent Weyl

-

Điểm nhìn #2 (Khách sạn President)

2017

In trên giấy Hahnemühle baryta p315 grs

50 x 75 cm

Khách sạn President

Những hòm thư trên bức tường nơi cửa ra vào đã từ lâu không còn thư tín. Dưới ánh đèn neon tù mù với cây quạt tốc vào mặt, người lễ tân uể oải ngắm những chiếc xe máy vào ra tầng hầm. Thang máy đã biến mất. Cầu thang đã bị bít lại vì sợ sập. Nhưng bản thân toà nhà vẫn đứng đó. Không còn cư dân sinh sống, toà nhà rộng lớn này thuộc diện sắp bị đập bỏ.

Xây vào khoảng giữa những năm 60 ở trung tâm đô thị Sài Gòn xưa, Khách sạn President là toà nhà cao lớn nhất trong thành phố lúc bấy giờ. Với mười ba tầng nối nhau bằng những hành lang dài thông thoáng và một hồ bơi trên nóc, nó đứng vững vàng như bàn thạch trong suốt thời gian chiến tranh. Trong những năm cuối của cuộc chiến, quân đội Hoa Kỳ đã cho thuê phòng trong khách sạn để phục vụ binh lính thuộc đơn vị hỗ trợ hải quân YRBM-20. Những người lính GI này tận hưởng cuộc sống dễ chịu trong khách sạn với quầy bar, nhà hàng, và phòng bơi lội.

Sau giải phóng miền Nam vào ngày 30/4/1975, Khách sạn President được cải tổ thành khu nhà ở, văn phòng, và trường học. Vào năm 1980, Uỷ ban Nhân dân dành hai tầng trong khách sạn cho Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình. Rất nhiều nghệ sĩ cải lương đã đến thu âm trong khách sạn để tận dụng kỹ thuật công nghệ mới.

Trong những năm 80 và 90, dân số tòa nhà chạm ngưỡng đỉnh điểm, với 600 hộ dân và khoảng 2500 cư dân. Các dãy hành lang – tổng hòa giữa không gian riêng tư và công cộng, như mọi nơi khác trên đất nước – vẽ nên diện mạo đời sống tập thể: những gánh bún, quầy tạp hoá thực phẩm, tiệm cà phê, tiệm thuốc, bàn điện thoại công cộng, và nhiều nữa. Toà nhà trở thành một đô thị trong lòng đô thị.

Từ năm 2000, toà nhà rơi vào hoang phế và rơi vào tầm ngắm của nhiều người do vị trí trung tâm đắc địa. Người ta chính thức lên kế hoạch đập bỏ Khách sạn President. Các cư dân lần lượt rời đi, để lại tòa nhà trống vắng hiện nay. Bên trong các căn hộ bỏ không, ta có thể tìm thấy một mớ hổ lốn đồ nội thất cũ mòn và những tấm đệm rách nát ố bẩn. Trong một phòng với cửa sổ nứt vỡ, bàn thờ gia tiên đã bị tháo dỡ cùng với di ảnh và mâm quả, chỉ còn lại bát hương đầy tro và một vài que hương cháy dở. Một chiếc va li há miệng trống ngoác trên sàn do gia chủ vội vã rời đi mà bỏ lại.

Một chứng nhân cho lịch sử nửa sau thế kỷ 20 của Việt Nam, khối kiến trúc đang mục ruỗng này sẽ sớm bị phá huỷ để dành chỗ cho các dự án phát triển mới, tẩy xoá một lịch sử và lật sang trang mới. Những lớp thời gian cứ thế chất chồng bên trong tòa nhà.

Những bức tường vụn vỡ này lưu giữ những dấu vết sinh hoạt trong quá khứ, những chỉ báo thị giác gợi ta nhớ về những ký ức, tâm trạng, xúc cảm. Những mảnh vụn cuộc đời của những cư dân cuối cùng dường như đông cứng trong thời gian, trong khi, trong hành lang, bóng tối chơi trò đuổi bắt, tái hiện lại cảnh xưa. (Phần miêu tả của Sabrina Rouille)