Đáp án phải được tìm kiếm
Một trò chuyện cùng giám tuyển Ace Lê
Nghệ thuật, khoa học, công việc giám tuyển, và tất cả những gì kết nối chúng – Nguyễn Art Foundation trò chuyện cùng giám tuyển Ace Lê trước thềm ‘Phổ Hiếu Kỳ’, triển lãm thứ hai của Quỹ với 26 nghệ sĩ và 46 tác phẩm đến từ cả trong và ngoài bộ sưu tập. Từ tháng 05 tới tháng 12 năm 2022, ‘Phổ Hiếu Kỳ’ sẽ đồng thời diễn ra trong không gian nghệ thuật của Quỹ tại hai khuôn viên EMASI Nam Long và EMASI Vạn Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Art Foundation (NAF): Anh đã theo học rất nhiều ngành: khoa học, kinh doanh, truyền thông, bảo tàng học và thực hành giám tuyển. Lượng kiến thức của anh, vì vậy, trải dài trên nhiều lĩnh vực. Anh có thể chia sẻ thêm về hành trình giáo dục thú vị này của mình không?
Ace Lê (AL): Sinh ra trong thập kỷ 80 và trưởng thành trong thập kỷ 90, tôi thuộc về thế hệ hậu chiến đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn Đổi Mới: đất nước mở cửa kinh tế, toàn cầu hóa dần xâm nhập, kỷ nguyên Internet cũng bắt đầu. Kéo theo đó là những “cơn bão” thông tin và hoạt động văn hoá-giải trí mới mẻ dành cho lứa trẻ như tôi, và thế hệ chúng tôi vô cùng may mắn khi được quyền tự do lựa chọn những gì mình muốn theo đuổi trong cuộc sống. Khi sự phân cấp sỹ-nông-công-thương trong Nho giáo đã dần trở nên lạc hậu, tôi muốn thoát khỏi truyền thống hàn lâm của gia đình mình, nên đã quyết định bỏ ngành Toán để chọn Kinh doanh tại trường Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2003. Và thế là trong 15 năm qua, tôi thực hành marketing và truyền thông ở nhiều ngành khác nhau tại Singapore; đồng thời học lấy bằng Thạc sĩ Truyền thông từ Đại học Công nghệ Nanyang. Công việc ngày hiện tại của tôi là làm Giám đốc Truyền thông & Marketing khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cho một tập đoàn vật liệu nội thất quốc tế.
Giống như bạn bè đồng trang lứa, tuy yêu thích nghệ thuật từ khi còn nhỏ, nhưng tôi có ít dịp để nuôi dưỡng niềm đam mê ấy, bởi giáo dục nghệ thuật trong trường học ở Việt Nam lúc ấy vẫn còn thiếu thốn, và cơ hội để thưởng thức nghệ thuật trọn vẹn ở các bảo tàng, kinh viện công cộng lại còn ít ỏi hơn. Hồi đó, từ vựng “giám tuyển” còn chưa xuất hiện trong từ điển và kiến thức tập thể, nên chắc chẳng đứa trẻ nào viết vào nhật ký rằng “Con muốn trở thành một nhà giám tuyển!” cả. Chỉ đến khi đã có công việc ổn định và cuộc sống trở nên thư thả hơn, tôi mới có thời gian dành cho việc thưởng lãm và nghiên cứu nghệ thuật. Bắt đầu tìm hiểu về khởi nguồn của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong thập kỷ 90, tôi đã lập tức bị mê hoặc bởi lòng nhiệt huyết, niềm phấn khởi, sự hỗn loạn, cũng như năng lượng sáng tạo bùng nổ của thời kỳ đó. Tôi quyết định khởi xướng cho riêng mình một dự án nghiên cứu về nghệ thuật queer của Việt Nam, và về Trương Tân – một trong những nghệ sĩ tôi yêu thích nhất. Bốn năm trước, tôi nhập học khóa Thạc sĩ về Bảo tàng học & Thực hành giám tuyển tại Đại học Công nghệ Nanyang ngay khi chương trình vừa ra mắt, và quyết định hoàn thành giai đoạn đầu dự án nghiên cứu của mình dưới dạng luận văn thạc sĩ. Khóa học này khá đặc biệt; nó được thành lập dưới sự lãnh đạo của giám tuyển kỳ cựu Ute Meta Bauer, hợp tác cùng Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Singapore NTU – nơi nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã từng tham gia các chương trình lưu trú. Đến giờ, nó vẫn là khóa học giám tuyển cấp thạc sỹ duy nhất tại Đông Nam Á, được thiết kế để tập trung đặc thù vào các diễn ngôn của Đông Nam Á. Một cánh cửa mở ra rất nhiều góc nhìn quý báu cho bản thân tôi.
NAF: Hành trình giáo dục và những thay đổi trong sự nghiệp mà anh vừa chia sẻ đã góp thêm nhữnggiá trị gì cho con đường giám tuyển? Anh có nghĩ là mình đã xác định được “tiếng gọi sự nghiệp” đích thực dưới vai trò giám tuyển, hay vẫn còn ấp ủ những dự định học vấn khác trong tương lai?
AL: Là một giám tuyển có nghĩa là bạn sẽ phải đội nhiều “mũ” cùng một lúc – người nghiên cứu, người viết, người lên ý tưởng, người kể chuyện hay người làm hành chính. Bạn sẽ phải tương tác với nhiều bên liên quan: từ nghệ sĩ, các kinh viện nghệ thuật, tới giới truyền thông và cả khán giả đại chúng. Nghề giám tuyển đòi hỏi bạn phải nắm chắc cả lý thuyết lẫn thực hành; nên việc có bằng cấp chưa chắc đảm bảo được rằng bạn sẽ là một giám tuyển tốt. Tôi vẫn chỉ mới ở trong giai đoạn khởi đầu sự nghiệp giám tuyển, và còn đang học hỏi mỗi ngày từ các tiền bối trẻ tuổi hơn mình rất nhiều. Tuy nhiên, xuất phát điểm là khoa học đã giúp tôi tạo ra những logic cho riêng mình khi giám định, tuyển lựa và/hoặc viết lách. Kinh nghiệm trong ngành kinh doanh lại giúp tôi rèn luyện tư duy giao tiếp nhiều chiều, đồng thời nhắc nhở tôi phải luôn cân nhắc yếu tố công chúng trong quá trình thực hành.
Làm giám tuyển cũng có nghĩa là trở thành cầu nối giữa nghệ sĩ, tác phẩm của họ, và công chúng. Bạn bè của tôi, nhiều người đứng đầu trong lĩnh vực riêng của họ – như y học, pháp luật hay tài chính – đã chia sẻ với tôi rằng họ chẳng hiểu gì cả khi bước chân vào một “hộp trắng” (thuật ngữ chỉ một loại phòng triển lãm đương đại), và việc đọc các văn bản giới thiệu triển lãm của giám tuyển chỉ khiến họ thêm hoang mang và bối rối. Theo tôi, người giám tuyển cần phải phá vỡ thay vì xây thêm những rào cản. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam, nơi mà con đường tiếp cận nghệ thuật còn đang trải đầy chướng ngại vật.
NAF: ‘Phổ Hiếu Kỳ’, triển lãm sắp tới của anh được tổ chức bởi NAF, soi chiếu mối giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học. Điều gì đã khiến anh mong muốn khám phá điểm gặp gỡ của hai lĩnh vực này? Ý nghĩa của khoa học đối với anh, và đối với triển lãm này, là gì?
AL: Ngày nay, ta thường nghĩ đến nghệ thuật và khoa học như hai miền tri thức riêng biệt và hiếm khi gặp nhau. Mặc dù sở hữu các cách tiếp cận khác nhau, nghệ thuật và khoa học thực chất lại có nhiều điểm chung trong việc khuyến khích trí tưởng tượng, đẩy lùi giới hạn và khám phá những lãnh thổ mới. Khi khoa học phát triển, những phát kiến và công cụ mới mẻ lại được các nghệ sĩ nghiên cứu và ứng dụng. Và khi những thử nghiệm và sáng tác của họ trở nên ngày càng đa dạng và có chiều sâu nghiên cứu, chúng sẽ mang đến nhiều điều ngạc nhiên cho quá trình ta khai vấn, hình dung và giải thích thế giới quanh mình, từ đó tiếp tục nuôi dưỡng những đối thoại liên ngành. Nhìn theo cách đó, nghệ thuật là một môn khoa học, và khoa học cũng có thể được coi là một môn nghệ thuật. Bằng cách làm nhoà đi các định nghĩa, ‘Phổ Hiếu Kỳ’, vì thế, đặt mục tiêu kết nối thay vì chia rẽ.
NAF: Triển lãm ‘Phổ Hiếu Kỳ’ là dự án đầu tiên của Lân Tinh Foundation do anh sáng lập. Theo anh, nó phản ánh sứ mệnh nào của Lân Tinh, và song hành với sứ mệnh nào của NAF?
AL: Lân Tinh Foundation là một tổ chức phi lợi nhuận, hợp tác cùng một mạng lưới các nhà sưu tập và kinh viện nghệ thuật để tập trung vào công tác a) lưu trữ, b) nghiên cứu và c) trưng bày nghệ thuật Việt Nam. Trong mảng cuối, chúng tôi sẽ ra mắt một chuỗi triển lãm trong 2-3 năm tới với cùng một chủ đề bao quát là khám phá sự giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học. Tên của chủ đề ấy là ‘Thể Lân Tinh’, được đặt tên theo hiện tượng khoa học khi một số thực thể có khả năng hấp thụ ánh sáng rồi tự phát sáng trong bóng tối – ví dụ như đồ chơi dạ quang, những con đom đóm lấp lánh hay ánh sáng kì diệu đến từ biển phát quang vào ban đêm. Một cách ẩn dụ, tiêu đề này cũng ám chỉ những quan điểm mang tính khác lạ, những dòng chảy ngầm, những vấn đề thường bị bỏ qua và bỏ quên trong những tuyến nội dung chính thống.
Mỗi triển lãm dưới chủ đề ‘Thể Lân Tinh’ sẽ có những tên gọi và mạch giám tuyển riêng, và triển lãm sắp tới tại NAF sẽ là dự án mở đầu cho chuỗi. Tựa đề ‘Phổ Hiếu Kỳ’ được lấy cảm hứng từ – đồng thời cũng là sự khai triển thêm – khái niệm “cabinets of curiosities” (căn buồng hiếu kỳ) ở châu Âu thế kỷ 16, vốn là những bộ sưu tập tại gia. Ở thế kỷ 21, sự hiếu kỳ của chúng ta không còn bị gò bó trong những “căn buồng” như vậy nữa. Triển lãm này là một minh chứng cho độ rộng và sâu của khả năng liên tục thách thức giới hạn của nghệ sĩ để tiếp sức cho trí tò mò của họ, cũng là của chính chúng ta. Đồng thời diễn ra ở cả 2 cơ sở giáo dục của trường EMASI Vạn Phúc và EMASI Nam Long, [tôi hi vọng rằng] triển lãm sẽ có thể cùng môi trường sư phạm và thầy cô hỗ trợ nuôi dưỡng sự tò mò và lòng ham học đang lớn dần trong các em học sinh.
Nhân đây, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các người bạn “ngự lâm giám tuyển” – Dương Mạnh Hùng và Tâm Nguyễn – vì những đóng góp sâu sắc và sự lãnh đạo ngoạn mục của họ trong dự án này.
NAF: Một trong những sứ mệnh cốt lõi của NAF là lồng ghép nghệ thuật vào giáo dục. Anh dự định sẽ đan xen yếu tố giáo dục vào triển lãm như thế nào? Ở triển lãm mở màn của NAF mang tựa ‘Con người, Vinh quang và Cuộc sống sau Chiến tranh’, các em học sinh từ Trường Quốc Tế Renaissance đã được tham gia vào giai đoạn chuẩn bị cho dự án. Với triển lãm của anh thì sao?
AL: Toàn bộ triển lãm này được kiến tạo với trọng tâm xoay quanh các em học sinh. Sự tương tác của các em với các tác phẩm nghệ thuật chính là chìa khóa dẫn đến hành công của dự án. Đây cũng là lí do tại sao có sự tham dự của các nghệ sĩ khách mời và nhà giáo dục khoa học, cốt để khích lệ đối thoại, mở mang tầm nhìn và khám phá những phương pháp mới trong thực hành nghệ thuật và khoa học. Điển hình là các tác phẩm của nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm hoặc Hà Ninh Phạm có thể dễ dàng được tận dụng như những công cụ trợ giảng mới mẻ và hữu hiệu để minh họa cho sức mạnh của cơ học và công nghệ thông tin, cùng những khả năng bất tận chúng đem lại.
Với triển lãm trước, giám tuyển Gridthiya Gaweewong đã mời học sinh chọn lựa tác phẩm mà các em yêu thích từ bộ sưu tập của NAF, sau đó trưng bày chúng trong triển lãm. Đây là một cách tiếp cận rất mới mẻ. Với triển lãm lần này, nhóm giám tuyển chúng tôi không dựa vào hệ thống bầu chọn dân chủ tương tự, bởi chính chủ đề giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học đã đóng vai trò như một “màng lọc” hữu hiệu để tuyển chọn ra các tác phẩm phù hợp từ bộ sưu tập NAF rồi. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi muốn nhìn nhận bộ sưu tập của NAF như một thực thể sống, nên đã đề nghị mở rộng quy mô triển lãm để bao gồm cả những tác phẩm nằm ngoài bộ sưu tập, đến từ các nghệ sỹ Đông Nam Á đã và chưa xuất hiện trong bộ sưu tập NAF.
Tuy các em học sinh không tham gia trực tiếp vào quá trình giám tuyển, nhưng sự hiện diện của các em lại có mặt xuyên suốt trong tất cả các khâu xây dựng triển lãm. Ví dụ như về mặt thiết kế, thay vì trưng bày tác phẩm ở độ cao ngang tầm mắt trung bình là 1.6m thì chúng tôi đã hạ thấp chúng xuống để phù hợp cho cả học sinh và người lớn. Tôi cũng chọn một cách tiếp cận khác cho văn bản giám tuyển của mình: thay thế cho văn phong hàn lâm nghiêm túc, tôi viết một lá thư ngỏ để chào mời các em đến với không gian triển lãm, với lối dẫn dắt của một người kể chuyện tỉ tê. Và bởi chúng tôi muốn tối ưu hóa không gian để các em thỏa sức theo đuổi trí tò mò, đội ngũ cũng quyết định giữ các nhãn giải thích trên tường ở mức độ tối thiểu. Ai muốn tham khảo có thể quét mã QR để tìm đọc thêm về tác phẩm. Những tiêu đề duy nhất xuất hiện trong triển lãm là tên của những ‘vùng’ (hay khu vực) khác nhau, chẳng hạn như ‘Cơ thể’, ‘Máy móc’ v.v… Chúng đóng vai trò như những điểm mở, cốt để khơi gợi những cuộc trò chuyện hay đánh giá phản tư từ chính các em.
NAF: Vậy những nội dung gây hiếu kỳ nào sẽ được làm sáng tỏ trong triển lãm lần này?
AL: Sẽ tốt hơn cả nếu người xem tự mình khám phá khi họ trải nghiệm triển lãm. Ở vai trò giám tuyển, chúng tôi muốn tạo ra các không gian khác nhau để công chúng có thể tự do khai vấn và đặt vấn đề không ngần ngại, e dè. Tôi tin rằng đáp án phải được tìm kiếm thay vì mách cho. Trong kỷ nguyên của thông tin quá tải và nội dung quảng cáo, tuyên truyền xuất hiện mọi lúc mọi nơi, thì khả năng duy trì tính hiếu kỳ là một điều thực sự, thực sự thiết yếu.
Phỏng vấn này được thực hiện bởi Đan Thy, thuộc Nguyễn Art Foundation, Tháng 03/2022