Ở nghệ thuật của Bùi Công Khánh, truyền thống được hấp thụ trong chính chất liệu anh sử dụng (giả như gốm sứ hay gỗ mít). Chất liệu sau đó lại trở thành một ẩn ngữ, một sự thay thế cho những chất vấn phức tạp xoay quanh các vấn đề chính trị xã hội, bản sắc cá nhân và di sản đa văn hóa. Chất liệu và hình thức của tác phẩm, vì thế, được nghệ sĩ cẩn trọng lựa chọn bởi chính những ý nghĩa quan trọng mà chúng kế thừa. Tác phẩm, sau cuối, lại trở thành những gợi ý – nơi các tầng lớp ý nghĩa chờ đợi người xem bóc tách.
Trong tác phẩm Dị bản, ký ức tuổi thơ sống động của nghệ sĩ được neo lại trong loạt hồi tưởng về chiến tranh. Ở phông nền, những thớ gốm mang dáng hình của hàng rào thép gai uốn lượn và nảy nở (những hàng rào này do lính Mỹ để lại sau chiến tranh, sau này được tái sử dụng để ngăn cách các hộ gia đình, thường là nơi thảm thực vật leo bám). Rải rác trên bề mặt của chúng là hình ảnh vũ khí súng trường và lựu đạn. Sắc xanh lục và trắng ngà của gốm đồng thời cũng đại diện cho sự “trao đổi” văn hoá đa chiều và những vướng mắc phức tạp liên quan tới di sản Trung Quốc tại Việt Nam. Thay vì một tuyên bố mang tính kết luận, tác phẩm trở thành một phản tư mang tính cá nhân về hậu quả của những xung đột.
Tác phẩm được trưng bày lâu dài tại trụ sở chính của công ty Khai Sáng, Paragon, TP. HCM.
(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi Sàn Art)