An-Mỹ Lê
-
Đó Là Thế Giới Của Đàn Ông
Xuyên suốt 30 năm qua, thực hành nhiếp ảnh của An-Mỹ Lê không ngừng mổ xẻ những lớp lang hư cấu mà con người đã sử dụng để biện minh, tái hiện và huyền thoại hóa chiến tranh cũng như các hình thức xung đột khác nhau. Thay vì mô phỏng các cuộc chiến theo lối trực diện của nhiếp ảnh báo chí, cô suy tư về ý nghĩa của bạo lực luân hồi, của tác động chiến tranh lên môi trường và của sự hiện diện của cộng đồng hải ngoại thông quan những quan sát cảnh quan đầy thi vị. An-Mỹ Lê chia sẻ: “Làm việc với phong cảnh, hay chụp ảnh phong cảnh, đồng nghĩa với việc kiến tạo mối quan hệ giữa các bên khác nhau – kết nối và điều phối cái cá nhân với các cấu trúc vĩ mô như quân đội, lịch sử, văn hoá.”
Để thực hiện dự án Small Wars (tạm dịch: Những cuộc chiến nhỏ), năm 1999, An-Mỹ Lê đã tới Virginia và Bắc Carolina để ghi lại tư liệu những trận đánh mô phỏng, với bối cảnh tái hiện lại những cuộc xung đột vũ trang giữa các bên không cân sức. Trải nghiệm này đã trui rèn con mắt nhạy bén của cô trước các cảnh quan bị/được quân sự hóa; ở đó, “mỗi đỉnh đồi, khúc quanh co, nhóm cây và cánh đồng trống đều có thể trở thành nơi phục kích, lối thoát thân, khu hạ cánh hoặc doanh trại” – nghệ sĩ chia sẻ. Để được tham gia vào các trận đánh mô phỏng này, An-Mỹ Lê đã chấp nhận đảm nhận vai lính Việt Nam Cộng Hòa và du kích Việt Cộng. Ở đây, bối cảnh chiến trường Việt Nam được thay thế bằng địa hình miền Nam Hoa Kỳ, nơi đã diễn ra các trận đánh trong thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ. Sự chồng lấn của các cuộc chiến tranh và các dòng thời gian khác nhau, của các lịch sử văn hóa và cảnh quan vốn một trời một vực trong đời thực, thực chất lại tạo ra một cảm giác mơ hồ bất an trong các hình ảnh mà An-Mỹ Lê bắt chụp.
(Biên tập từ văn bản của Marian Goodman Gallery)