Điềm Phùng Thị
Điềm Phùng Thị (1920-2002, Việt Nam) là một tên tuổi lớn của nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Bà tốt nghiệp ngành nha khoa Đại học Y Khoa Hà Nội năm 1946, sau đó phục vụ kháng chiến trong khoảng hai năm. Năm 1948, sử sách có ghi: do một cơn bạo bệnh, bà được đưa sang Pháp điều trị. Tại đây bà tiếp tục học và tốt nghiệp Tiến sĩ giải phẫu nha khoa Pháp và nhận bằng Tiến sĩ với luận án về tục ăn trầu của Việt Nam. Tới năm 1959 bà mới bắt đầu thực hành và miệt mài theo học điêu khắc tại xưởng của điêu khắc gia Antoniucci Volti. Năm 1966, bà được tổ chức triển lãm đầu tiên tại Bernheim-Jeune Gallery (Paris, Pháp). Kể từ đó cho tới khi trở về Việt Nam năm 1992, bà triển lãm tại nhiều nơi khắp châu Âu và tác phẩm của bà có mặt trong nhiều bộ sưu tập quốc tế. Ngôn ngữ điêu khắc của bà đạt tới độ chín và hoàn thiện nhất, cũng như được biết tới nhiều nhất, với “7 môđun” mà qua đó bà tạo nên nhiều tác phẩm đa dạng chất liệu (tranh, phù điêu, tượng). Triển lãm trong nước đầu tiên của bà diễn ra năm 1978 tại Trung tâm Mỹ thuật Hà Nội (nay là nhà triển lãm 16 Ngô Quyền), và có thể được coi là một trong những triển lãm trừu tượng đầu tiên ở Việt Nam. Trước khi mất bà hiến tặng 175 tác phẩm của mình cho TP. Huế, hiện được lưu giữ và trưng bày tại một bảo tàng nhỏ mang tên bà, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị (Bảo tàng Mỹ thuật Huế).