“Việc lượm nhặt biển số nhà là cách để tôi lưu giữ lại những giá trị lịch sử đời thường của khu vực bờ thành, của những thân phận con người nơi đây để tưởng nhớ về quá khứ. Đặt chúng kề cạnh nhau, tựa vào nhau cốt là để đưa ra một bức tranh lớn hơn về quy hoạch, để người xem có thể suy tưởng về tương lai của khu vực bờ thành, hay cả của những chốn khác – nơi quá trình di dời, đổi mới đô thị đã và đang diễn ra.” (Hoàng Ngọc Tú)
Biển số nhà có thể được coi là đại diện cho danh tính và lịch sử của một gia đình, của những người trú ngụ dưới mái ấm ấy. Bản thân những con số đã luôn liền kề với căn tính con người. Ở đây, ta có thể nghĩ tới ví dụ thẻ căn cước hoặc hộ chiếu – nơi những chuỗi số tóm gọn tiểu sử của cả một con người; hay cách mà lịch sử chiến tranh chống Mỹ đôi khi được nhớ tới thông qua số hiệu của những con tàu chở người di cư. Như một nhà sưu tập ‘cổ vật’, Hoàng Ngọc Tú lượm lặt biển số nhà quanh khu vực bờ thành – những vật tưởng vô tri vô giác, nhưng lại có khả năng gợi nhắc ta về nơi ‘chôn rau cắt rốn’ của một cộng đồng mà cuộc đời giờ đã đổi thay: bị cào bằng, làm dẹt phẳng, trơ trọi trong một trật tự xã hội mới.