Phan Thảo Nguyên

-

Nhìn Xuống số 40

2013

Sơn dầu trên phim X-ray

25 x 20 cm

Nhìn Xuống là một chuỗi các bức hoạ nhỏ trên nền tấm lót phim X-quang, mô tả hình người đang nhìn xuống, lấy cảm hứng từ nghiên cứu của Thảo Nguyên Phan về giai đoạn Đế quốc Nhật Bản chiếm đóng thuộc địa Đông Dương của Pháp (1940–1945). Trong quá trình nghiên cứu, Thảo Nguyên hầu như không tìm thấy bất kỳ hình ảnh lưu trữ nào liên quan trực tiếp đến thời kỳ này ở Đông Dương, nhưng có rất nhiều hình ảnh về các nước láng giềng như Singapore và Philippines. Trong một chuyến thăm Nhà máy Ford cũ ở Singapore, nơi quân Anh đầu hàng Quân đội Đế quốc Nhật Bản vào năm 1942, nghệ sĩ bắt gặp một bức ảnh trong triển lãm của họ, chụp một phụ nữ địa phương cúi chào lính Nhật khi họ đi ngang qua cô trên phố. Bức ảnh này đã tác động đáng kể đến suy nghĩ của Thảo Nguyên về ý nghĩa của cử chỉ và hành động. Từ bức ảnh nguyên gốc ấy, Thảo Nguyên đã phát triển một chuỗi dị bản của cử chỉ nhìn xuống, với hình ảnh lấy từ nhiều nguồn khác nhau: sách, tài liệu lưu trữ lịch sử, hay internet. Hình người trong tranh đã bị loại bỏ lý lịch và được thể hiện trong một không gian bất biến, không cụ thể. Hành động nhìn xuống có thể ám chỉ sự nhượng bộ, đầu hàng, khuất phục. Nhưng đồng thời, cũng tồn tại khả năng nó chỉ mang nghĩa nhìn xuống để tìm kiếm thứ gì đó, hoặc để cúi chào. 

Tác phẩm được trưng bày lâu dài tại trụ sở chính của công ty Khai Sáng, Paragon, TP. HCM.

(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi nghệ sĩ)