Lê Thừa Tiến

-

Reflection

2022

Sơn mài và đa phương tiện trên gỗ

190 x 244 cm

Đối với Lê Thừa Tiến, sơn mài không chỉ là công cụ hay chất liệu nghệ thuật, mà còn là đề tài và chủ thể trọng tâm trong sáng tác. Với chuỗi tác phẩm Phản chiếu – Phản tư (được bắt đầu sáng tác năm 1999, lấy cảm hứng từ những tấm gương), Tiến đã sớm rời bỏ những cách thức xử lý chất liệu thông thường và tập trung nghiên cứu bản chất nội tại của sơn mài thông qua những tìm tòi mang tính phản biện và ý niệm. Thay vì tạo ra hiệu ứng thị giác bằng cách đặt chồng các lớp chất liệu khác nhau lên bề mặt tác phẩm, anh chỉ sử dụng sắc đen đậm đặc căn bản, đối thoại với những căn tính tự nhiên của sơn mài, chẳng hạn như độ sâu, sự trong hay tính phản chiếu của nó. 

Mang dáng dấp của cách cổng như thể dẫn lối vào những chiều kích không–thời gian khác, bề mặt đặc quánh, bóng nhẵn của bộ tác phẩm Phản chiếu – Phản tư được chế tác từ sơn ta truyền thống. Phần khung được làm từ cùng loại vữa được sử dụng để xây dựng các công trình đền đài, lăng tẩm ở cố đô Huế vào thời đại phong kiến Việt Nam. Hầu như không tham chiếu tới hình ảnh đến từ thế giới bên ngoài, tác phẩm sắp đặt này – bao gồm bốn “cánh cổng” lớn tạo thành một vòng tròn gần kín – mời gọi người xem trở thành chủ thể của tác phẩm, một mình lay lắt trong phong cảnh tuyền đen vô tận mà nghệ sĩ tạo nên. Như thể đắm chìm trong thế giới phản tư, ta soi chiếu vào tác phẩm, đồng thời bị/được soi chiếu bởi một “bản ngã khác” từ thế giới bên kia. Như Tiến từng chia sẻ: “Khoảng khắc ‘gặp gỡ’, đối diện với bản lai diện mục của chính mình luôn là một trải nghiệm tinh thần đáng kinh ngạc. Tò mò, phấn khích, xen lẫn nỗi sợ của bản năng nguyên thuỷ, khi Cái Tôi cá nhân – vốn hữu hạn, vô thường – được đem đặt đối diện với cái tôi vốn vô tận, hằng thường của Tự Nhiên.”