Liên Trương
-
Iraq, 1991 (sê-ri Translatio Imperii)
Trong sê-ri Translatio Imperii (tạm dịch: Chuyển giao Quyền kiểm soát), Liên Trương khai thác hình thức hội hoạ phong cảnh phổ biến tại Hoa Kỳ vào thế kỷ 19, để tái hiện các địa điểm trên thế giới đã bị cường quốc này đánh bom sau Thế chiến thứ hai. Cô phủ những bức tranh bằng sơn đen, để lại một khoảng “hở” mang dáng hình một nét cọ (như để tỏ lòng mến mộ của mình trước chuỗi tác phẩm Brushstrokes do nghệ sĩ người Mỹ Roy Lichtenstein sáng tác những năm 1960). Qua lăng kính của chủ nghĩa Hiện đại, sê-ri Translatio Imperii hiện lên như lời nhắc nhở về tính chính trị của Biểu hiện Trừu tượng – phong trào nghệ thuật đã bị “vũ khí hóa” bởi CIA trong Chiến tranh Lạnh với mục đích đề cao chủ nghĩa cá nhân và tự do của người Hoa Kỳ. Xuất hiện trên mỗi khung tranh là một tấm đồng có khắc vị trí và thời gian của các trận đánh bom. Với kích thước tưởng chừng khiêm tốn, sê-ri này thực chất lại mang trong mình một sức mạnh nội tại: hết bức này đến bức khác, điều ta phải đối diện và không thể chối cãi là những tổn hại khôn lường đến toàn cầu mà Hoa Kỳ đã gây ra.
Tác phẩm được trưng bày lâu dài tại trụ sở chính của công ty Khai Sáng, Paragon, TP. HCM.
(Trích từ văn bản Những Bức hoạ Tương lai từ Những Trang vàng của Lịch sử của Aleesa Pitchamarn Alexander)