Nhằm tiếp tục phát triển nguồn tài nguyên nghiên cứu và khuyến khích lòng trân trọng nghệ thuật của công chúng, Nguyễn Art Foundation giới thiệu chuỗi phỏng vấn mới thuộc dự án Thăm Xưởng của chúng tôi. Thân mời người xem cùng ghé thăm “hậu trường” không gian sống và làm việc không chỉ của nghệ sĩ, mà còn của những người kiến tạo, nhà tổ chức, sáng lập gia – các cá nhân đứng đằng sau các không gian, tổ chức, mạng lưới – những “ngôi nhà nghệ thuật” quan trọng xuyên suốt dòng chảy lịch sử nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đến từ đa dạng nền tảng và thời đại, chất dẫn kết nối họ với nhau là tình yêu không tuổi dành cho nghệ thuật, tinh thần khó khăn cũng không quản ngại, khả năng ứng biến với các phương thức đột phá, cốt để duy trì và tiếp sức cho những nơi chốn mà ở đó, các hoạt động văn hoá–nghệ thuật thử nghiệm được trú ngụ và thoả sức phát triển.
Truy cập kênh Youtube của Nguyễn Art Foundation để đón xem những video mới nhất.
Ở phần đầu của phỏng vấn này, cô Trần Thị Huỳnh Nga chia sẻ về bối cảnh xã hội cũng như quá trình tạo lập Không gian Xanh – Blue Space trong những năm 1990, khi TP. HCM vẫn còn vắng bóng những không gian nghệ thuật. Bằng tinh thần kiên định và tiên phong, cô đã tái định hình thực hành tổ chức nghệ thuật ở Việt Nam với những chuyến trưng bày xuyên biên giới: đưa tác phẩm Việt Nam ra quốc tế, đưa thế giới về TP. HCM, và đưa khán giả tới gần hơn với nghệ sĩ. Blue Space đã trở thành bệ đỡ cho lứa nghệ sĩ trẻ bấy giờ: vừa là nơi họ lui tới để gặp gỡ, giao lưu, vừa là chỗ dựa tinh thần, cung cấp cho nghệ sĩ đầy đủ điều kiện để họ chuyên tâm sáng tác.
Ở phần hai của phỏng vấn, cô Nga lật lại ký ức của mình về hành trình gắn bó tận tình, tận nghĩa với cố nghệ sĩ/người chồng Trần Trung Tín – một trong những trường hợp dị thường và tài năng sâu sắc bậc nhất của nghệ thuật Việt Nam. Chưa từng học qua bất kỳ trường lớp đào tạo mỹ thuật nào, dường như Trần Trung Tín đã đi xa hơn thế hệ của mình và tìm ra được ngôn ngữ thị giác riêng biệt, tự do về hình thức biểu đạt và trường tồn với thời gian.
Trong phỏng vấn này, Bùi Hải Sơn truy vấn hành trình định hình và mở rộng ngôn ngữ điêu khắc của mình thông qua những chiêm nghiệm về căn tính, quê hương, ký ức, biểu tượng và chất liệu. Với Bùi Hải Sơn, điêu khắc không chỉ là sự tổng hoà giữa phom dạng, vật chất và không gian, mà còn mang trong mình khả năng trở thành một thực hành mang tính xã hội và bao gồm. Niềm tin này đã giúp nghệ sĩ có được sự tự tại cần thiết để bền vững với sự nghiệp trải dài nhiều thập kỷ, không ngần ngại hợp tác cùng đa dạng thợ thuyền và liên kết điêu khắc với kiến trúc, ánh sáng. Lấy hình tượng hạt lúa làm mạch chảy thị giác xuyên suốt các tác phẩm của mình, Bùi Hải Sơn tin rằng kết nối đa ngành, đa chất liệu là cơ sở để điêu khắc vừa bắt nhịp dòng chảy của nghệ thuật đương đại, vừa tiếp tục tri ân những di sản văn hoá địa phương.
Trong lần phỏng vấn này, Lê Quốc Thành chiêm nghiệm cái ngẫu nhiên đặc trưng trong tác phẩm của mình như kết quả của những kinh nghiệm đúc kết trong từng hoạt động rất đỗi thường ngày: từ học làm mộc, may đồ cho gia đình khi còn bé cho tới việc chăm hoa và chăm con khi lập gia đình. Ôn lại hành trình học vấn đặc biệt của mình, anh thể hiện khả năng tự trau dồi và phản tư sâu sắc xuyên suốt thực hành nghệ thuật. Sáng tác luôn là việc tự chất vấn thường nhật của bản thân anh trong vai trò người vẽ và người xem, từ đó thúc đẩy sự dung hòa của góc nhìn sắc sảo của nghệ sĩ với nét cọ dịu dàng, tinh tế của chính mình.
Trong video phỏng vấn này, Nguyễn Trung chia sẻ về sự uyển chuyển của nghệ thuật giữa những rập khuôn của lịch sử và thời cuộc. Nghệ sĩ chiêm nghiệm từ hành trình sóng gió vươn mình ra nước ngoài của bản thân, tới những buổi đầu năm 1960, 1970 của quang cảnh nghệ thuật đầy biến động với Tạp chí Mỹ Thuật và Nhóm Mười Người. Từ đó, ông tái hiện tinh thần bứt phá luôn âm ỉ luồn lách giữa thương trường và chính trường, giữa lý tưởng và thực tế, điều đã phần nào dần định danh tính tập thể đặc trưng của nền nghệ thuật đương đại Việt Nam. Sự linh hoạt này bắt nguồn từ việc nghệ sĩ không giới hạn bản thân trong một trường phái nhất định nào mà ngược lại, nó còn được nuôi dưỡng bởi góc nhìn khát khao khám phá và chuyển mình của “một đứa trẻ” xuyên suốt thực hành nghệ thuật của ông.
Trong video phỏng vấn này, Tuấn Andrew Nguyễn suy ngẫm về các dự án nghệ thuật đa dạng của anh, và vai trò quan trọng của việc cộng tác trong thực hành của mình. Làm việc chủ yếu với những cộng đồng và nơi chốn trải qua biến động và sang chấn, Tuấn Andrew lấy ngôn ngữ kể chuyện và tạo vật hòng đối chọi với sự xoá nhoà để lưu giữ kí ức. Đi qua những dự án đã và đang thực hiện, Tuấn Andrew nhìn lại kí ức, không chỉ như một di tích đã qua, mà luôn thường trực trong đồ vật ta làm, câu chuyện ta truyền lại, và mảnh đất ta sinh sống.
Trong video phỏng vấn 22 phút này, Trương Công Tùng thảo luận vai trò của thiên nhiên, thời gian và quá trình tàn lụi vô thường như những yếu tố ngoại cảnh thường trực trong đời sống tác phẩm của mình. Đối với người con vùng Tây Nguyên, chất liệu không chỉ là phương tiện cho một đích đến cuối cùng: Công Tùng hứng thú tìm hiểu cách chúng nói lên ngôn ngữ riêng, chuyển mình và chia sẻ những mối liên kết vô hình với con người. Qua ẩn dụ về khu vườn (như được thể hiện trong các tác phẩm và cách anh thực hành, trau giồi dưới tư cách là một người nghệ sĩ), Công Tùng nhấn mạnh khả năng lột xác tiềm tàng trong mỗi cá thể, và khuyến khích chúng ta khám phá hệ sinh thái bên trong bản thân mình.
Với niềm đam mê sâu sắc trước việc tạo tác những trần thuật vừa thực vừa hư, trong phỏng vấn này, Thảo Nguyên Phan chia sẻ về việc kết hợp mối quan tâm đa dạng của cô – từ nghệ thuật, lịch sử, tới văn học và môi trường – vào các sáng tác trải dài trên nhiều phương tiện và chất liệu. Hình thức, màu sắc, giai điệu – những tác động lên tâm can, Thảo Nguyên tìm kiếm và tái dựng những “rung cảm thị giác” này trong tác phẩm của mình, như là một phương pháp để kể chuyện, để liên đới tới những vấn đề xã hội–lịch sử lẩn khuất, và đồng thời cũng là để tìm ra ánh nhìn mang tính cá nhân, có khả năng vượt khỏi các diễn ngôn sẵn có.
Trong video phỏng vấn 23 phút này, Đỗ Hoàng Tường suy ngẫm về hành trình chuyển đổi từ trường phái Trừu tượng sang Hình thể trong thực hành hội hoạ của mình, đi qua những chủ đề thường xuất hiện trong tranh anh: từ bất công xã hội, biến đổi đô thị đến nỗi bất an tâm lý, và lo lắng cá nhân. Tình đồng nghiệp với Nhóm Mười Người, sự tập trung vào cái đẹp khác thường, và nghề “tay trái” (vẽ minh họa) của Tường cũng được “mổ xẻ”, mở ra một góc nhìn gần gũi hơn về cuộc đời và hành trình sáng tác của anh.
Trong video phỏng vấn này, Phan Quang chia sẻ về quá trình chuyển đổi thực hành từ nhiếp ảnh phóng sự tới nhiếp ảnh ý niệm – một phương tiện nghệ thuật đương đại đã giúp giải phóng anh khỏi những rào cản, cũng như mang lại cho anh các cách thể hiện nhãn quan bản thân chân thực hơn. Đi qua các dự án tiêu biểu, nghệ sĩ luận bàn về việc sử dụng các biểu tượng thị giác và chất liệu thường nhật để khơi gợi suy tư về giới hạn xã hội, sự chuyển hoá của các trần thuật lịch sử, cũng như đời sống của những cộng đồng lẩn khuất.
Trong video phỏng vấn 25 phút này, Nguyễn Mạnh Hùng suy ngẫm về mối liên kết với gia đình, kí ức hậu chiến tranh liên thế hệ, cảm hứng từ Vua hề Charlie Chaplin và niềm tin vào Phật Giáo. Dẫn lối người xem đi qua các thời kỳ khác nhau xuyên hành trình sáng tạo của mình, Hùng thảo luận về thủ pháp (đã trở thành căn tính sáng tạo của anh) – nơi bút pháp Siêu thực được kếp hợp với tính trào phúng để gợi mở những suy tư về hệ giá trị xã hội–văn hoá, đồng thời cũng là để chất vấn các vấn đề căn bản xoay quanh đạo đức con người.
Trong video phỏng vấn 35 phút này, Tuấn Mami nói về sự đồng hiện sinh, “the gene of time” (hay vật chất di truyền của thời gian) và kí ức của vật liệu như là những yếu tố khởi nguồn cho sự khám phá, bảo tồn và chuyển hóa trong thực hành nghệ thuật của anh. Suy tư về tầm quan trọng của sự tương tác và trao đổi trong quá trình sáng tác lẫn trưng bày, Tuấn Mami chia sẻ về việc kết hợp tính trình diễn với các chất liệu và hình thức nghệ thuật khác, và những dự án gần đây khi trọng tâm của tác phẩm là sự kết nối với cộng đồng và giữa các cá nhân.
Tuy nhân chủng học chỉ phụ trợ con đường học vấn của nghệ sĩ Nguyễn Trinh Thi, bộ môn này lại là điểm mốc quan trọng đưa cô đến thực hành làm phim. Trong video phỏng vấn dài 30 phút này, Trinh Thi đào sâu vào đa dạng các tính chất trong tác phẩm Những lá thư từ Panduranga (bên cạnh các tác phẩm khác), mở rộng hội thoại để bao gồm những vấn đề nền tảng trong thực hành làm phim, chẳng hạn như cấu trúc quyền lực, tính đại diện, sự tình cờ và “ánh nhìn”.
Với nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng, thực hành nghệ thuật như một sợi dây kết nối người nghệ sĩ với di sản và cảnh vật xung quanh. Trong video phỏng vấn dài 20 phút này, anh nghĩ về không gian và thời gian, những phong cảnh hiện hữu và mường tượng, sự chuyển biến từ hình thể sang trừu tượng, và hiện diện của tính thủ công trong nghệ thuật Á Đông. Các tác phẩm của anh được sáng tác dựa trên quá trình chiêm nghiệm này, như một phản chiếu hữu hình của sự luân hồi.
Trong video phỏng vấn dài 23 phút này, nghệ sĩ Lập Phương chia sẻ về hành trình trở thành nghệ sĩ điêu khắc, các nguồn cảm hứng đằng sau sáng tác của cô, cũng như những khoái cảm hiếm hoi trong quá trình thử nghiệm nghệ thuật. Hoà giải không chỉ những điều kiện không gian xung quanh tác phẩm, mà còn cả những thách thức (nội và ngoại) trước các yếu tố liên quan, cô tự kiến tạo cho mình một cách tiếp cận, một quy chuẩn cho quá trình tạo tác của mình. Ở đó, tính “tinh giản” được lấy làm trọng tâm.
Trong video dài 22 phút này, họa sĩ Nguyễn Kim Thái chiêm nghiệm về chặng đường đầy thử thách mà bà đã trải qua trong quá trình tu học nghệ thuật khi đất nước còn đang chiến tranh, và sau này trong thời kỳ Đổi mới. Bà cũng chia sẻ về sức mạnh của sự chấp nhận, của việc sống chân thành, của sự bền bỉ trong sáng tác; về cách mà những yếu tố này đã góp phần giúp xã hội dần đổi thay nhận thức trước những sáng tác hội họa khỏa thân của bà.
Trong video phỏng vấn này, Đoàn Xuân Tặng chia sẻ về nguồn cảm hứng vô tận với phong cảnh miền núi và đời sống dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Sự thay đổi trong những sáng tác gần đây của anh (thể hiện qua lối vẽ trừu tượng trên khổ toan lớn và với bảng màu tối giản) đồng thời cũng song hành với những chiêm nghiệm của anh trước những thay đổi chóng mặt và cuộc vật lộn mưu sinh ở nông thôn vùng cao. Ngoài những chia sẻ về sơn dầu (chất liệu “tủ” của anh), hội hoạ Việt Nam và ảnh hưởng của dịch bệnh, nghệ sĩ cũng bật mí về những nguồn cảm hứng và dự án mới mẻ anh đang thực hiện.
Đến với cuộc phỏng vấn này, Doãn Hoàng Lâm chia sẻ về hành trình nghệ thuật độc đáo được định hình bởi tuổi thơ chìm đắm trong sân khấu của mình. Khi chuyển từ thiết kế sân khấu sang hội họa, những bức tranh của Lâm trở thành tấm gương phản chiếu những xúc cảm vừa bản năng, vừa phức tạp của người nghệ sĩ. Sử dụng linh hoạt các chất liệu và bút pháp hội họa khác nhau, ngôn ngữ thị giác của Lâm được nhận biết bởi tính đặc sắc và màu sắc cá nhân cao. Nghệ sĩ đồng thời thảo luận về sự tiếp nhận của công chúng trước các bức họa nude của anh, cũng như kế hoạch liên quan đến các dự án trong tương lai.
Trong phỏng vấn này, Hà Ninh Phạm mở lối để người xem bước vào vùng đất tưởng tượng đầy mê hoặc của riêng anh, nơi những bản đồ, truyền thuyết và video game đồng hiện như những cách cửa dẫn ta vào những vũ trụ hỗn mang, nên thơ mà cũng đầy lý tính. Hành trình nghệ thuật của Hà Ninh là một cuộc thám hiểm sâu sắc về bản sắc và nguồn gốc, khi nghệ thuật cũng như sức mạnh chuyển hóa của giáo dục nghệ thuật đã giúp anh vượt qua nỗi chơi vơi căn tính trong thời gian nghệ sĩ sống và làm việc xa quê nhà. Bước vào thế giới của Hà Ninh, ta buộc phải cam kết từ bỏ mọi định kiến và nhận thức mà ta đã thu thập trên suốt hành trình sống của mình. Vậy, ta đã sẵn sàng chưa?
Sinh ra nơi những ngọn núi mờ sương ở Lai Châu, hành trình nghệ thuật của Đinh Thị Thắm Poong là một cuộc du hành cá nhân độc đáo. Từ những tác phẩm điêu khắc thời đại học đến những bức tranh màu nước trên giấy dó đã trở thành ngôn ngữ nghệ thuật đặc trưng: thực hành của Thắm Poong là minh chứng cho mối liên hệ sâu sắc của cô với thế giới tự nhiên, với tinh thần của người H’mông. Trong phỏng vấn lần này, Thắm Poong chia sẻ về cách mà quê hương, ký ức gia đình và tình yêu sách của cha đã định hình sáng tác của cô, cũng như những ấn tượng không thể xóa nhòa về các nghệ sĩ mà cô từng gặp gỡ thời niên thiếu. Ở nghệ thuật của Thắm Poong, người xem được mời gọi bước vào một thế giới nơi vẻ đẹp thường nhật chuyển hóa thành một điều gì đó phi thường.
Trong video phỏng vấn này, Nguyễn Quang Huy chia sẻ về những buổi đầu tiếp cận thực hành nghệ thuật, với khao khát thể hiện quan điểm cá nhân và thử nghiệm sáng tác trên nhiều loại hình khác nhau, từ hội hoạ tới sắp đặt ánh sáng. Thông qua chia sẻ của nghệ sĩ về những bức hoạ trên giấy dó – thường là những chân dung đơn sắc xanh vẽ phụ nữ, lấy cảm hứng từ Phật giáo và mang không khí huyền bí – sự nhạy cảm trước cái đẹp của Huy cũng hiển lộ, song hành cùng nỗ lực cân bằng những vận động nội tâm và chuyển hoá chúng thành những dạng thức thị giác mang tính phổ quát. Huy thảo luận về khoảng thời gian anh hoạt động cùng nhóm Hanoi Triad (hay Bộ Ba Hà Nội, bao gồm Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Minh Thành), cũng như trải nghiệm sống và làm việc tại Nhà Sàn – không gian nghệ thuật đương đại do nghệ sĩ vận hành lâu đời nhất tại Hà Nội, đồng thời là cột mốc lịch sử đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự nghiệp của các thế hệ nghệ sĩ đồng trang lứa với Huy.
Trong buổi phỏng vấn dài 15 phút này, Nguyễn Kim Duy chia sẻ về vai trò của ngôn ngữ và tầm ảnh hưởng sâu sắc của những năm tháng học tập tại Đức lên thực hành nghệ thuật của anh. Duy cũng bàn về xu hướng chọn lựa các vật liệu bình dân và làm việc cùng các phương tiện thường nhật – điều cho phép anh tạo ra ra tác phẩm dễ tiếp cận với đông đảo công chúng địa phương. 10.000 chữ khác nhau, 1 màn hình TV thế hệ cũ đơn giản, và tác phẩm Abstraction (nằm trong bộ sưu tập của Nguyễn Art Foundation) được thành hình. Cuối cùng, Duy chia sẻ về việc thúc đẩy xuất bản sách liên quan tới văn hoá và nghệ thuật Việt Nam, cùng tâm huyết của mình với giáo dục nghệ thuật.
Trong buổi phỏng vấn này, Phạm An Hải mở lòng về quá trình chuyển dịch từ lối vẽ hữu hình sang biểu hiện và trừu tượng; về những biến động trong đời đã lèo lái anh đến với phương pháp sáng tác cho phép anh truyền đạt cảm xúc và tìm kiếm sự cân bằng nội tâm. Tính “đúp” của màu sắc trong nghệ thuật trừu tượng được Hải phân tích chi tiết – màu sắc là công cụ vừa giúp nghệ sĩ biểu thị tình cảm, vừa định hình cấu trúc của tác phẩm. Mất mát văn hoá, trải nghiệm cộng tác cùng các nhà đấu giá quốc tế, quan điểm cá nhân về quang cảnh nghệ thuật v.v. cũng được bàn luận trong buổi phỏng vấn, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về nghệ thuật đương đại Việt Nam qua con mắt Phạm An Hải.
Trong buổi phỏng vấn này, Đỗ Thanh Lãng chiêm nghiệm về hành trình học tập và theo đuổi nghệ thuật khi được sinh ra trong gia đình giàu truyền thống làm nghề. Từ tấm bé, Lãng đã được tiếp xúc với màu sắc và nét vẽ của cha mình (hoạ sĩ Đỗ Hoàng Tường); để rồi từ đó thoả sức kết hợp thử nghiệm hội hoạ với các chất liệu phi truyền thống như resin và nhựa. Với giọng điệu đầy đam mê, anh chia sẻ vể những khoảnh khắc ngẫu hứng và vui thú giữa nghệ sĩ và tác phẩm, giữa sự bất định của chất liệu và hình thù bay bổng được tạo nên. Ở phần sau phỏng vấn, Lãng và Đạt Nguyễn chia sẻ về nhóm Sao La, các dự án nghệ thuật di dộng hướng tới cộng đồng như quán bar Cù Rú và sự kiện nghệ thuật Nổ Cái Bùm, cùng với những phương pháp thực hành nghệ thuật lấy trải nghiệm đời sống làm gốc.
Trong video phỏng vấn này, Nguyễn Văn Cường chiêm nghiệm về những thử nghiệm nghệ thuật đã làm nên tên tuổi anh. Từ những mày mò chất liệu và phương tiện sáng tác khi còn trên ghế nhà trường; tới hành trình nuôi dưỡng căn tính nghệ thuật cá nhân khi anh sống và làm việc cùng nhóm Hanoi Triad (hay Bộ Ba Hà Nội, bao gồm Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Minh Thành và Nguyễn Quang Huy); tới quãng đường khai phóng bản thân thông qua những khám phá với trình diễn, sắp đặt, âm nhạc. Xoay quanh các vấn đề về vật chất, quyền lực và suy thoái nhân quyền – cũng là những chủ đề thường xuất hiện trong sáng tác của Cường – cuộc đối thoại mở ra để luận bàn về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, cũng như tầm quan trọng của phát triển kinh tế–xã hội trong mối tương quan với phát triển văn hoá.
Trong phỏng vấn lần này, Tuyền Nguyễn nhớ về bước ngoặt trong sự nghiệp của mình, khi anh rời bỏ ngành kinh tế học và tham gia chương trình nghệ lưu trú tại A. Farm. Anh kể về những tác động mà quyết định chuyển hướng này đã “áp” lên thực hành của mình, xem chương trình A. Farm như một “trường mỹ thuật” đã định hình tầm nhìn nghệ sĩ. Tuyền cũng suy ngẫm về tác động của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống, đồng thời chia sẻ về loạt tác phẩm mới cũng như các kế hoạch trong tương lai.
Đến với phỏng vấn này, Ưu Đàm Trần Nguyễn kể về quá trình lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghệ thuật, thời gian anh tu nghiệp tại nước ngoài và sau đó trở về thực hành tại Việt Nam – nơi anh đam mê thử nghiệm với đa dạng chất liệu và công cụ sáng tạo. Với tinh thần táo bạo cùng nhu cầu liên tục thử thách thực hành bản thân, Ưu Đàm kết hợp sáng tạo nghệ thuật không chỉ với công nghệ (robot, điện thoại thông minh), mà còn cả với vật chất đời thường (khí thải từ phương tiện giao thông, túi ni-lông đã qua sử dụng). Ngoài ra, nghệ sĩ còn chia sẻ về những khoảnh khắc “ơ–rê-ka” đã dẫn dắt anh tìm thấy mối liên hệ trong vạn vật: từ trần thuật lịch sử cho tới sự suy thoái môi trường đương đại, trong mong cầu vượt qua các đứt gãy, biên giới chính trị để tiến xa hơn tới các đối thoại ôn hòa, dưỡng lành.
Trong video phỏng vấn 25 phút này, Đỉnh Q. Lê chia sẻ về cách anh xoay sợi lịch sử và nghệ thuật cùng những trăn trở trong quá trình tìm hiểu căn tính của bản thân. Di cư tới Mỹ từ năm 10 tuổi bởi ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Việt Nam, căn tính kép Mỹ–Việt của Đỉnh đánh dấu điểm khởi đầu cho những phản hồi nghệ thuật vừa thấm đượm tính tự sự cá nhân, vừa phản ánh các vấn đề xoay quanh lịch sử xung đột và địa chính trị toàn cầu. Thảo luận về những tác phẩm đầu tiên của mình, Đỉnh nhắc tới vòng lặp luẩn quẩn, sự thiếu sót của những thảo luận, sự né tránh trong việc phơi bày những tàn dư chiến tranh trong đời sống đương đại. Anh cũng bóc tách mối quan tâm tới lịch sử tị nạn, cho thấy cách anh “nhìn” bản thân mình qua trải nghiệm của người khác. Còn được biết tới là một nhà sưu tập tranh ảnh và đồ cổ, Đỉnh dẫn dắt người xem vào hành trình anh học lại lịch sử quê hương và “lấy lại được tính Việt trong mình” thông qua những quá khứ ngày cũ ngỡ tưởng đã bị chôn vùi.
Trong video phỏng vấn này, Nguyễn Phương Linh chiêm nghiệm về quá trình theo đuổi nghệ thuật có phần khác biệt so với các nghệ sĩ cùng thời. Cô chia sẻ về trải nghiệm tiếp xúc và được ảnh hưởng bởi các nghệ sĩ tên tuổi của thế hệ trước tại Nhà Sàn, một trong những không gian nghệ thuật độc lập đầu tiên tại Việt Nam. Cùng với những chuyến thực địa xuyên suốt Việt Nam và trong khu vực, các tác phẩm được nói đến trong video mang đậm sức hút thị giác từ nhiều chất liệu quen thuộc. Dù hứng thú với việc bóc tách lịch sử, Phương Linh nhận định tạo hình của mình không trưng bày tư liệu của thẩm mỹ mà hướng tới những biến đổi linh hoạt căn bản của hình thái. Nghệ sĩ cũng bật mí mối quan tâm gần đây về gia đình, chủ đề đơn giản nhưng cốt lõi gắn liền với mỗi cá nhân.
Trong lần phỏng vấn này, Nguyễn Huy An điểm lại những cột mốc quan trọng trong sự nghiệp nghệ thuật của mình: từ một sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật đến một nghệ sĩ đương đại. Dẫn dắt bởi sự tò mò và hứng thú cá nhân, Huy An cho rằng bước chuyển dịch sang nghệ thuật trình diễn và sắp đặt là một thay đổi căn cốt trong thực hành của anh, từ việc thể hiện những vấn đề cá nhân và độc thoại nội tâm sang một phạm vi diễn ngôn hướng ngoại hơn, bao gồm suy niệm của nghệ sĩ về các vấn đề chính trị–xã hội và sự say mê của anh ấy đối với “nguyên bản”. Mặc dù là một nghệ sĩ đương đại, sự tinh đơn giản trong hình thức tác phẩm của Huy An xuất phát từ sự giản kiệm của một nền mỹ học cổ điển từ thơ Đường và tinh thần thiền tông.
Trong video phỏng vấn 21 phút này, Lê Quý Tông chia sẻ về niềm đam mê theo học nghệ thuật và chiêm nghiệm về những đánh đổi, khó khăn trong nghề. Quý Tông đi sâu vào giai đoạn chuyển giao từ tả thực hình ảnh, địa danh đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam tới nội dung trừu tượng để tìm hiểu và phản hồi một lịch sử với những nút thắt xa lạ. Nghệ sĩ đồng thời thảo luận cách anh sử dụng hình ảnh từ các phương tiện truyền thông để thể hiện lịch sử của các mặt đối lập, của hành trình tìm kiếm tự do và sự thật – ý tưởng chủ đạo trong các triển lãm cá nhân Thực Lục và Vàng Ròng. Trong thời kì COVID-19 đảo lộn, Tông phát triển tác phẩm của mình hướng tới niềm tin và chân lý dường như không còn có thể chạm tay tới.
Trong buổi trò chuyện này, Nguyễn Minh Thành soi chiếu lại quá trình học nghệ thuật những năm đầu sự nghiệp cùng sự dấn thân vào nền mỹ thuật đương đại/thử nghiệm còn non nớt trong thời kì đầu Đổi Mới. Chọn nghe theo “sự rung động của trái tim”, Minh Thành chia sẻ những ghi nhận cá nhân về hội họa, và những đốn ngộ về chân dung tự họa, kí ức và sự kì vĩ nhiệm mầu của tự nhiên.
Trong video phỏng vấn này, Chu Thảo kể về quá trình theo đuổi và học tập tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Hà Nội cùng trải nghiệm hành quân vào miền Nam năm 1969 như những cơ hội để rèn giũa bản thân với nghệ thuật. Là một hoạ sĩ và nhà báo tại chiến trường, Chu Thảo đã ký hoạ chân dung của rất nhiều bộ đội, người dân tại Trường Sơn, đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia. Từ đó, hoạ sĩ thảo luận về tính tức thời, cũng như khả năng truyền tải tinh thần và lưu giữ ký ức trong những bức vẽ của mình.
Trong video phỏng vấn lần này, Trương Hiếu chiêm nghiệm về hành trình nghệ thuật của ông từ những ngày còn đi học cho tới cuộc sống nơi chiến trường và hậu chiến tranh. Lần dò từ những khơi gợi hoài niệm đượm mùi hoa sữa, các cây xoài hoang và những đóa sen trôi, nghệ sĩ chia sẻ về cách cảm hứng vẽ tranh được nuôi dưỡng từ cảnh vật quê nhà, để rồi dẫn lối ông tới với họa sĩ Nguyễn Tiến Chung và cuối cùng tham gia vào khóa Tô Ngọc Vân tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trương Hiếu kể về sự ra đời một bộ sưu tập các phác thảo với thời gian ngắn ngủi nơi chiến trường khốc liệt trong suốt 10 năm. Đối với ông, ký họa như “hơi thở cuộc sống” – một phần quan trọng đã luôn nuôi dưỡng cuộc đời. Điều này cũng được thể hiện trong những thông tin mà nghệ sĩ hé lộ về dự án đang tiếp diễn của mình – Vùng đất của Ký ức.
Trong video phỏng vấn này, Cian Duggan chia sẻ về cách đam mê của bố anh với lịch sử tâm linh của nơi chốn ảnh hưởng tới cách tiếp cận rất riêng của anh với hội họa: nơi anh vẽ quan trọng không kém những gì anh vẽ. Bằng cách mang tác phẩm của mình ra đường – những hình thể trừu tượng của Cian có thể tìm thấy trên nhiều bức tường xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh, kề cạnh các graffiti tag khác – và mang các khía cạnh đường phố trở lại không gian triển lãm, Cian khám phá sự liên kết giữa các địa danh rời rạc. Các dạng hình đặc trưng của anh đóng vai trò như những chiếc cổng, tồn tại giữa các khoảng không gian, và thậm chí, các khoảng thời gian khác nhau.