Chiếu phim và thảo luận: Di sản
-
13 tháng 01 năm 2024
Từ góc nhìn của điện ảnh, chuỗi chiếu phim Trời đánh tránh miếng ăn gợi mở những hình ảnh sống động về bữa cơm gia đình giản dị, nơi mà qua từng món ăn và cung bậc vị giác, các luận bàn xoay quanh các mối quan hệ về giới và thế hệ được khơi đào; các khái niệm về căn tính quốc gia bị xáo trộn, những diễn ngôn quen thuộc về gia đình dần dịch chuyển khỏi cái thực thể đã được tiên định để hướng tới một hình dung về gia đình luôn chuyển động, luôn trong quá trình hình thành. Tiếp nối những trần thuật về ký ức và hương vị được khám phá trong triển lãm Miền lạ: Hành trình của cacao, chương trình chiếu phim 4 tuần do Thái Hà curate là sự hợp tác giữa Nguyễn Art Foundation và Ném Space. Thông qua những hoạt cảnh xoay quanh bữa ăn, các bộ phim vừa làm hiển lộ những mối quan hệ xã hội phức tạp, vừa kiến tạo sự đồng điệu trong văn hóa và tri thức giữa những thực khách đang hiện diện nơi bàn ăn.
Từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Việt Nam qua góc nhìn của cộng đồng sinh sống ở Pháp, hình ảnh bữa ăn gia đình hiện lên trong các tác phẩm điện ảnh này mang nhiều cung bậc cảm xúc: vừa là niềm an ủi, vừa là nỗi lo sợ, vừa là sự căng thẳng. Trong Ẩm thực nam nữ (đạo diễn Ang Lee, 1994), qua những bữa ăn thịnh soạn mỗi Chủ nhật, người cha và ba cô con gái lần lượt tiết lộ những tin tức bất ngờ làm lung lay sự gắn kết ruột thịt. Trong nỗ lực dung hòa giữa mong muốn cá nhân và tình đoàn kết gia đình, một mâu thuẫn lớn hơn cũng đồng hiện nơi bàn ăn, xoay quanh sự tan rã và tái thiết cộng đồng của xã hội Đài Loan trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa những năm 1990. Hai bộ phim ngắn Ông Ngoại và Malabar (đạo diễn Maximilan Badier-Rosenthal, 2017 và 2020) khắc họa hình ảnh hai người ông trong những khoảnh khắc sẻ chia đồ ăn giữa đô thị Paris hào nhoáng, nơi mà những người lớn tuổi phải tự thân kiếm tìm những mối quan hệ xã hội, cốt để chống chọi sự đơn côi khi mô hình gia đình liên thế hệ dần sụp đổ. Trong khi đó, Gia đình đạo tặc (đạo diễn Kore-eda Hirokazu, 2018) phơi bày mặt trái đắng cay của xã hội Nhật Bản, nơi những người bần cùng nương tựa vào nhau để san sẻ từng bữa mì cà-ri và korokke giá rẻ. Bộ phim đồng thời băn khoăn: Liệu tình thân máu mủ có luôn bền chặt hơn những cộng đồng tạm bợ – trớ trêu thay – được tạo nên bởi chính những thách thức kinh tế-xã hội? Chuỗi phim kết thúc với Khu rừng nhỏ (đạo diễn Yim Soon-rye, 2018) với chất thơ dịu dàng; mang nhịp điệu nhẹ nhàng như thể ta đang lật qua từng trang giấy của cuốn sách nấu ăn. Một cô gái, trên hành trình tìm mẹ, cần mẫn nấu nướng từ mùa này tới mùa khác, và quá đó, dần dần kết nối với chính mảnh đất đã nuôi dưỡng mình.
Thoát khỏi cái hiện hữu vật chất đơn thuần, bữa ăn gia đình trong chuỗi chiếu phim Trời đánh tránh miếng ăn trở thành nơi chuyển mình của những mối quan hệ mang tính xã hội. Nương theo ẩn ý này, chúng tôi mời gọi khán giả cùng tham gia suy ngẫm về tác động của những chuyển đổi đó thông qua một loạt các bữa trưa được thực hiện trong căn bếp của Hiếu và Phú tại Ném Space. Trong vai trò là đầu bếp chính của chương trình, Phú mang đến cho thực khách những món ăn được truyền cảm hứng từ hương vị Bắc Giang, quê quán của cô. Cùng chia sẻ bữa ăn trong không gian chung, cùng quan sát những dấu chỉ yêu thương qua góc nhìn điện ảnh, chương trình hy vọng mang tới những ánh nhìn mới về ý nghĩa của tính cá nhân trong mối tương quan với đa dạng cấu trúc gia đình và xã hội khác nhau.
Lịch chiếu phim:
22 tháng 6 – Ẩm thực nam nữ (đd. Ang Lee, 1994)
29 tháng 6 – Ông Ngoại và Malabar (đd. Maximilan Badier-Rosenthal, 2017 và 2020)
13 tháng 7 – Gia đình đạo tặc (đd. Kore-eda Hirokazu, 2018)
20 tháng 7 – Khu rừng nhỏ (đd. Yim Soon-rye, 2018)
*Chân thành cảm ơn sự hỗ trợ từ Taiwan Film & Audiovisual Institute, Don Quichotte Films và Nouvelle Toile Productions
Sự kiện này thuộc chuỗi chương trình giáo dục và cộng đồng xoay quanh Miền Lạ: Hành trình của Cacao, một triển lãm do Nguyễn Art Foundation tổ chức.