Trò chuyện cùng Đỉnh Q. Lê
-
15 tháng 09 năm 2022
Một bài tập về thời gian, tưởng nhớ và cái chạm
– cùng nghệ sĩ Nguyễn Thuý Hằng & giám tuyển Bill Nguyễn
Tại triển lãm Trong hư vô, cái hiện hữu, Nguyễn Thuý Hằng giới thiệu các tác phẩm thuộc hai bộ tác phẩm: Những Chiến binh (sáng tác năm 2011-2015) và Khi sương mờ, lúc khí tan (sáng tác năm 2019). Mặc dù ra đời ở những thời điểm khác nhau, cả hai bộ tác phẩm đều bắt nguồn từ những ám ảnh của nghệ sĩ xoay quanh các khái niệm: (bật) gốc rễ, đất Mẹ, sự lãng quên, sự buông bỏ, sự siêu thoát. Hư cấu, huyền ảo, thậm chí phi lý hoá những trần thuật đời sống đôi khi hết mực cá nhân. Nghệ thuật của Nguyễn Thuý Hằng – dù ở dạng ngôn từ hay thị giác – đều tiếp nối thành một chuỗi dài liên kết và tiến triển, nương tựa vào nhau mà nảy nở.
Các nhân vật người-lai thú, thú-hoá-người mắc kẹt giữa các ngưỡng, trì trệ giữa các cõi; ánh sáng chập choạng và sức nặng của màn đêm; loài bướm và những bóng ma hồn cũ; sắc đỏ rực rỡ của máu (mủ) và những thân thể trong suốt, sạch bong ký ức. Từ văn chương, hội hoạ tới điêu khắc và sắp đặt của Thuý Hằng, các tạo hình và cảm thức này liên hồi xuất hiện, như thể buộc ta phải đối thoại với chúng:
Thực ra, chúng muốn dẫn ta tới điều chi?
Đến với sự kiện Một bài tập về thời gian, tưởng nhớ và cái chạm, người tham gia được lắng nghe Thuý Hằng giải trình về quá trình cô suy tư và hình thành những nhân vật mang tính hiện-thực kỳ-ảo này. Đời sống của chúng sau khi bước ra khỏi thế giới của cô để tiến vào những không gian hiện hữu như những cá thể độc lập thế nào. Thuý Hằng và giám tuyển Bill Nguyễn đồng hành chia sẻ về hệ thống biểu tượng đã được đặt nằm rải rác như những tín hiệu tưởng chừng như đơn giản nhưng hết sức quan trọng trong tạo hình và văn chương của cô, thông qua các chiến lược tiếp cận ý tứ, hình thức trưng bày tác phẩm và chơi đùa với ánh sáng được áp dụng ở triển lãm lần này. Ngoài ra, hình ảnh các phác thảo và phiên bản thử nghiệm, cũng như tư liệu lưu trữ quá trình xử lí chất liệu và sản xuất tác phẩm của Thuý Hằng cũng được trình chiếu.
—
Triển lãm Trong hư vô, cái hiện hữu không chỉ là đơn thuần là trải nghiệm đơn chiều, mà còn là một mạng lưới sống động của các tác nhân – tác thể (actor – actant)* đan xen và tương tác, nơi chất liệu vừa trở thành một mắt xích chính nhưng cũng vừa là một điểm nhấn phụ. Đặt nghệ thuật là điểm kết nối thay vì chỉ là trọng tâm độc tôn, chương trình cộng đồng xoay quanh trưng bày ‘Trong hư vô, cái hiện hữu’ thông qua chất liệu vật chất để phản hồi đến những vấn đề văn hóa-xã hội nằm bên ngoài hộp trắng (white cube). Hãy cho mắt bạn bị đánh lừa, cho xúc giác lầm tưởng những cái chạm để phá vỡ cái đã biết và bắt đầu hành trình tự diễn giải và liên tục tạo nghĩa.
Sự kiện này thuộc chuỗi chương trình giáo dục và cộng đồng được Nhi Dương khởi xướng và đồng giám tuyển cùng Bill Nguyễn xoay quanh Trong hư vô, cái hiện hữu, một triển lãm do Nguyễn Art Foundation tổ chức.
*Bruno Latour, trong cuốn Reassembling the Social: An Introduction to Actor-Network-Theory (tạm dịch: Tái hợp Xã hội: Giới thiệu Lý thuyết-Mạng-Tác nhân) (Oxford, 2005)