Các bộ tác phẩm của Nguyễn Thái Tuấn, nhìn chung chia sẻ với nhau bầu khí quyển từ cách sử dụng màu sắc, ánh sáng, phân bổ không gian, đến sự hiện diện của những di tích đặc trưng và các cá nhân vô danh. Dưới góc độ ký hiệu học, các hình tượng – hành động lặp lại suốt các bộ tác phẩm của Tuấn như một mô-típ, chúng tồn tại vượt trên ngôn ngữ nói, đụng chạm đến nhiều giác quan khác nhau của người xem và từ đó tạo ra ý nghĩa. Ở chuỗi Không Đề, tác giả sử dụng rất nhiều hình ảnh địa danh mang tính chính trị trong lịch sử cận-hiện đại của Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều ở tình trạng bỏ hoang, suy tàn. Để ý, các tác phẩm trong chuỗi Không Đề đều không được đánh số. Chúng như thuộc cõi mơ, lơ lửng, không theo trật tự, mà trong đó sự tan rã ngấm dần vào trong những bức tường mục rỗng, sau đó lại phát tán ra vào đất đai, không khí. Những con người vô danh quẩn quanh không biết đang tìm kiếm điều gì.
(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi Sàn Art)