Trương Công Tùng

-

Những cái bóng trong vườn 2, chiêm nghiệm về sự tương đồng, bốn mùa và các nguyên tố

2023

Sơn mài trên gỗ

150 cm x 91 cm mỗi bức (4 bức tổng cộng)

Sau quá trình cóp nhặt những gì vắng mặt, và lưu lạc qua những vùng đất không tên, người nghệ sĩ cần một nơi tĩnh lặng để ngồi soi lại lòng mình. Với Công Tùng, nơi ấy không nằm ở đâu khác ngoài chính thực hành sơn mài của anh. Sơn mài là sự đồng lặp của cả thời gian chảy trôi và ký ức lưu giữ, của không gian hiện hình và lớp sơn trừu tượng. Anh xem sơn mài không chỉ là vật phẩm truyền thống với cốt cách sâu trong mang dáng hình dân tộc. Với Tùng, thực hành sơn mài, từ quá trình bồi vóc, lên nét, vẽ màu, cẩn hoạ tiết, tới mài giấy nhám và nước, là cả một triết lý mà qua đó anh nhìn cuộc sống: sự biến thiên không ngừng trên bề mặt, những dao động tàng ẩn giữa từng lớp sơn, những ký ức chồng lấp mang trong đó vật chất và câu chuyện – tất cả chỉ có thể thấy được khi ta để cho mắt nghỉ và giải thoát đầu óc khỏi sự tập trung đầy chủ đích.

Tùng khéo léo lồng ghép những thành tố thiên nhiên, những thành tố hữu nhân, với những khối hình trừu tượng gợi nên cảm giác của năng lượng hay thần khí đang xoay chuyển. Dưới mỗi lớp thành tố này lại hiện lên nhiều lớp khác, le lói ẩn hiện dưới tầng bề mặt – sự đồng hiện này vừa liên quan đến nỗi khắc khoải vắng mặt của các thành tố, vừa ám chỉ về sự tồn tại có phần ma mị của chúng. Tất cả những ký ức nằm trong đất, trong rừng, trong nước, trong thanh âm, trong ánh sáng, trong màu sắc của vùng đất vắng mặt ấy đã được Tùng nén vào trong từng lớp sơn. Mỗi nhát mài là một lần anh tự bào đi chính lớp ký ức mà mình đang níu giữ, một hành vi bạo lực tự huỷ và phản thân âm thầm. Nhưng chính nhờ sự mài ấy mà những hình ảnh của anh trở nên tinh giản và cô đọng, đan xen được vào nhau, quyện lại thành một thể hiện thị giác đầy lớp lang của những hình thái ký ức chồng chéo và vụn vỡ. Và nước, rửa trôi và xoa dịu những vết đau, vẫn bao dung hết thảy.

(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi Sàn Art)