Trần Trung Tín

-

Sự cô đơn thần thánh của sáng tạo

198-

Sơn dầu trên giấy ảnh

20.30 x 25.40 cm

Trần Trung Tín – một con người tài hoa với cuộc đời lạ lùng, giữa tình cảnh bế tắc không thể cất lời – đã đến với hội họa bởi những xô đẩy từ nỗi thất vọng và bi kịch lý tưởng. Cú bẻ ngoặt của số phận ấy đã gắn hội họa vào gần cả cuộc đời của Trần Trung Tín và cũng khiến ông trở thành một thứ ánh sáng dị thường bậc nhất của hội họa Việt Nam. 

Vẽ để được cứu rỗi, được trải lòng 

Vẽ để tránh câm lặng và bỏ cuộc 

Vẽ để tìm thấy mình, giữ lấy mình 

“Vẽ để vượt lên thời khủng khiếp mà tất cả chúng tôi đang sống” (1)  

Chưa từng học qua bất kỳ trường lớp đào tạo mỹ thuật nào, dường như Trần Trung Tín đã đi xa hơn thế hệ của mình và tìm ra được một ngôn ngữ thị giác riêng hết sức độc đáo “tự do về hình thức biểu đạt, tinh tế trong sáng tạo màu sắc. Chủ nghĩa biểu hiện mạnh mẽ của Tín là cấp tiến so với hội họa Việt Nam những năm 1960 và 1970, vốn kết hợp phong cách cổ điển Pháp với hiện thực chủ nghĩa Xô viết” (trích lời Sherry Buchanan, tác giả cuốn sách Trần Trung Tín: Tranh và thơ từ Việt Nam).  

Xuất hiện trong bộ sưu tập của NAF là những ví dụ tiêu biểu đến từ loạt tranh phỏng thực (figurative) trên giấy báo (sáng tác trong quãng thời gian 1972-1975 tại Hà Nội) và trên giấy ảnh (sáng tác trong những năm đầu thập niên 1980 khi ông đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống). Những tác phẩm này đã gây tiếng vang lớn và khiến tên tuổi Trần Trung Tín vụt sáng, trong đó những hình tượng cụ thể, giàu ẩn dụ (thiếu nữ, súng, hoa, con chim,…) kể lại một hiện thực bị kiềm tỏa và những chấn thương tâm lý thời hậu chiến. Vậy nhưng, trong cái thê thảm của chiến tranh và kìm cặp của tư tưởng, qua sự tự do trong đường nét và với bảng màu nguyên sơ (một thứ “màu trời cho” như Bùi Xuân Phái đã từng phán), tranh của Trần Trung Tín vẫn dịu dàng tinh thần lạc quan, vẫn cô đơn mà cũng trong sáng đến lạ kỳ, như thể đang cấu thành một nơi trú ẩn tinh thần, ‘một thánh đường thị giác tự tạo’ của chính ông.

Hơn nửa thế kỷ trước, có một tiếng hót đã cất lên, một tiếng hót cô đơn từng rơi vào câm lặng, nhưng lại là những trang nhật ký ghi chép chân thực nhất, bởi vậy mang một sức mạnh rung cảm khó cưỡng. Trần Trung Tín, cuộc đời ông, nghệ thuật của ông đã dũng cảm ôm lấy, níu lại những gì người ta đã buộc phải bỏ rơi để thích nghi với thời cuộc. Con chim lạ, lạc miền, lạc thời, giờ đây vẫn cất lời, để “Chân lý không bị hành hình / Cái đẹp không bị vùi chôn…” (2)

(1) Lời của Tự Huy, bạn của Trần Trung Tín
(2) Hai câu trích từ bài thơ Trần Trung Tín viết năm 1964

(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi Manzi Art Space)