Nguyễn Quang Huy
-
Thiên – Địa
Với tuổi thơ sớm tiếp xúc với Phật giáo và tiếp tục giữ mối quan hệ gắn bó mật thiết với đạo, những tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Huy bắt rễ từ hệ thống tư tưởng và biểu tượng thường thấy trong đạo Phật. Lấy cảm hứng từ “lục nhập”, một khái niệm cốt lõi trong tín ngưỡng nhà Phật (gồm các “căn”: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), các tác phẩm của Huy không chỉ luân chuyển xoay quanh một bầu ý thức tâm linh mà còn gợi mở ra một vài suy tư của nghệ sĩ về chuyện sinh tử, tồn tại.
Một số bức tranh Huy vẽ xuất hiện những dáng hình mơ hồ mang bóng Phật tổ, và đều được vây quanh bởi xoáy chữ bí ẩn vô tận. Mênh mang trong những vùng màu dịu nhẹ, ta cứ ngỡ những thể-sống này đang lơ lửng giữa không trung và rải quanh chúng là những con chữ khó nhận dạng với kích thước lẫn hình thái khác nhau, vừa ngẫu hứng vừa tỉ mẫn. Dòng chữ vừa chỉ dấu đến những suy nghĩ riêng tây, vừa từ chối thực hiện bổn phận tường minh, chuẩn xác của bản thân ngôn ngữ. Sự mờ đục và bất nhất này phản ánh sự bất lực của chính chúng ta khi giao tiếp trong một xã hội hiện đại không ngừng vận động biến thiên. Bên cạnh đó, những bóng hình tối giản của Đức Phật còn thể hiện sự bất bình của nghệ sĩ với Chủ nghĩa Hiện thực, từ đó dẫn lối anh đến lựa chọn trình hiện những thứ vô hình, vô ngôn.