Bưu thiếp từ học sinh trường EMASI đến cộng đồng Tonlé Sap
-
04 tháng 07 năm 2023
Một bài tập về thấu thị
– chuyến đi thực tế đến Xưởng giấy con Liêu Điêu
Những lớp vỏ thô ráp của cây cối được tỉ mỉ lột bỏ để phơi bày thứ tinh túy nhỏ bé nhưng quan trọng để làm nên giấy: xơ. Con người khi thì là tác nhân chủ động đẩy nhanh quá trình biến đổi vật chất, khi lại khiêm nhường trở thành nhân tố bên lề, kiên nhẫn chờ đợi để thiên nhiên tự do lựa chọn hình hài cuối cùng.
Mỗi trang giấy thủ công không chỉ là một phương tiện để sáng tạo, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật tự thân, mang trong mình câu chuyện về sự chuyển hóa; tái sinh của vật chất và vẻ đẹp của tự nhiên. Giấy, lúc thì để lưu giữ những điều vô hình như gia phả hay truyện cổ; lúc thì là cây cầu nối kết với đấng siêu linh qua ngọn lửa vàng mã. Như những tác phẩm của Nguyễn Thúy Hằng được ‘bồi da đắp thịt’ bởi giấy bản hay như những lời chưa nói của Linh San được viết ra vô hình trên từng trang thư gốm mỏng như tờ.
Xuyên suốt chuyến đi, người tham dự đã cùng nhau khám phá những khả thể sáng tạo của giấy thủ công, từ việc thử nghiệm với kích thước, hình dáng đến chất liệu – vượt xa khỏi một tờ giấy thông thường. Thông qua trải nghiệm làm giấy thủ công này, người tham dự mở rộng hơn mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, giữa hữu hình với vô hình, đồng thời nhận lại cái nhìn sâu sắc hơn về sự đa dạng của vật liệu tự nhiên và tiềm năng tái chế từ cây cỏ xung quanh ta.
Triển lãm Trong hư vô, cái hiện hữu không chỉ là đơn thuần là trải nghiệm đơn chiều, mà còn là một mạng lưới sống động của các tác nhân – tác thể (actor – actant)* đan xen và tương tác, nơi chất liệu vừa trở thành một mắt xích chính nhưng cũng vừa là một điểm nhấn phụ. Đặt nghệ thuật là điểm kết nối thay vì chỉ là trọng tâm độc tôn, chương trình cộng đồng xoay quanh trưng bày Trong hư vô, cái hiện hữu thông qua chất liệu vật chất để phản hồi đến những vấn đề văn hóa-xã hội nằm bên ngoài hộp trắng (white cube). Hãy cho mắt bạn bị đánh lừa, cho xúc giác lầm tưởng những cái chạm để phá vỡ cái đã biết và bắt đầu hành trình tự diễn giải và liên tục tạo nghĩa.
Sự kiện này thuộc chuỗi chương trình giáo dục và cộng đồng được Nhi Dương khởi xướng và đồng giám tuyển cùng Bill Nguyễn xoay quanh Trong hư vô, cái hiện hữu, một triển lãm do Nguyễn Art Foundation tổ chức.
*Bruno Latour, trong cuốn Reassembling the Social: An Introduction to Actor-Network-Theory (tạm dịch: Tái hợp Xã hội: Giới thiệu Lý thuyết-Mạng-Tác nhân) (Oxford, 2005)