Vải vóc từ quần áo (cũ, hoặc không dùng tới) là vật chất xuất hiện xuyên suốt thực hành nghệ thuật của Võ Trân Châu trong nhiều năm qua. Trong các tác phẩm của mình, Trân Châu tái sử dụng chính những mảnh quần áo cũ mà cô thu mua được, biến chúng thành những bức tranh ghép (mosaic) mang đa dạng hình ảnh: từ các công trình kiến trúc, những dấu ấn xã hội đã từng hiện diện như nhà máy dệt Nam Định, Thương xá Tax, nhà thờ Trà cổ, trường vẽ Gia Định v.v., tới chân dung của các cá nhân cả thân cận lẫn xa lạ với cô. Nghệ sĩ chọn các bức ảnh chụp những nơi chốn và con người này khi chúng còn tồn tại nguyên vẹn, phóng ảnh lên tới khi người xem không nhìn rõ hình hài mà chỉ còn thấy những điểm ảnh. Từ kết quả này, Trân Châu ‘tái dựng lại’ bức ảnh sử dụng vải vóc thu thập được, cắt chúng thành những mảnh nhỏ, sắp xếp chúng theo mã màu sau đó chắp ghép thủ công những mảnh ghép này thành bức tranh hoàn thiện. Tương tự như cách vải vóc được hình thành, kí ức cá nhân và tập thể hiện ra qua quá trình thêu dệt, lồng ghép của người nghệ sĩ.
© Nguyen Art Foundation. 2024