CHẲNG CÒN, CHƯA TỚI

Tháng 2 – Tháng 6, 2023

Một trưng bày giới thiệu thực hành của Nguyễn Thị Thanh Mai cùng những người bạn
Giám tuyển: Bill Nguyễn
EMASI Nam Long (Q.7)
Thứ Tư & Thứ Sáu | 10:00 – 16:00
EMASI Vạn Phúc (Q.Thủ Đức)
Thứ Ba & Thứ Năm | 10:00 – 16:00
*và mỗi thứ Bảy cuối cùng của tháng

Thumbnail Curatorialreflection Nmnt 01

Nguyễn Art Foundation hân hạnh giới thiệu Chẳng còn, chưa tới – trưng bày nhìn lại quãng đường thực hành nghệ thuật đa dạng và liên tục chuyển mình của Nguyễn Thị Thanh Mai – người đoạt Giải thưởng Nghệ sĩ Xuất sắc (phiên bản ra mắt, do Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory khởi xướng và in-tangible institute quản lý) – cùng gần 20 nghệ sĩ khách mời là bạn bè và đồng nghiệp của cô. Dù ở vị trí là người thực hành độc lập, hay thành viên của nhóm nghệ sĩ đương đại năng nổ nhất Thành phố Huế, hay nhà tổ chức của các dự án nghệ thuật cấp tiến do nghệ sĩ tự khởi xướng và vận hành, Thanh Mai luôn mang trong mình mối quan tâm sâu sắc và nỗ lực lao động không ngừng nghỉ; cô tìm tòi, thấu hiểu, sóng đôi cùng những cộng đồng – bởi biến cố lịch sử, thay đổi thời cuộc hay bất ổn xã hội – mà trở thành yếm thế hoặc bị lề hóa. Từ số phận lênh đênh trên mặt hồ Tonlé Sap (Siem Reap và Pursat, Campuchia) của những gia đình người Việt tha hương không giấy tờ; tới sự phân tầng xã hội trong đời sống người xuất khẩu lao động ngắn hạn gốc Việt ở Hàn Quốc; tới câu chuyện sinh tử chia ly của những người vợ liệt sĩ, Thanh Mai đau đáu đắm chìm vào những chuyện đời bị lẩn khuất sau những trần thuật chính thống, dai dẳng dấn thân vào những khúc mắc sinh tồn dường như chẳng thể có hồi kết.    

Tiếp tục cấu trúc một trưng bày, hai không gian đã trở thành dấu ấn của Nguyễn Art Foundation, ở Chẳng còn, chưa tới, người xem sẽ được tiếp cận và gặp gỡ Thanh Mai ở vai trò là nghệ sĩ độc lập với các dự án và mối quan tâm riêng, và cả Thanh Mai trong mối quan hệ mở rộng, sóng bước cùng thực hành của các đồng nghiệp ở Thành phố Huế. Cùng nhau, tác phẩm của họ đưa ra những băn khoăn, đồng thời động viên ta suy tư về trách nhiệm xã hội của công dân, về ý nghĩa của việc tồn tại cùng-nhau, sống chung với-nhau, về lòng trắc ẩn và khả năng thấu hiểu đời sống và con người xung quanh. 

Phần 1, diễn ra tại EMASI Nam Long

Xoay quanh câu chuyện của cộng đồng di dân gốc Việt tại biển hồ Tonlé Sap (Siem Reap và Pursat, Campuchia) mà Thanh Mai đã có cơ hội gặp gỡ và làm việc cùng suốt gần một thập kỷ qua, các tác phẩm trưng bày tại phần 1 là những quan sát, ghi chép và phản tư vẫn còn tiếp diễn của nghệ sĩ trước đời sống của nhóm người với số phận không còn nằm trong tầm kiểm soát của họ. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, chiến tranh, nạn diệt chủng và mối quan hệ phức tạp giữa hai nước láng giềng, họ bất đắc dĩ trở thành những di dân không quốc tịch, không thẻ căn cước, nghèo đói, thất học, thiếu sự bảo trợ của pháp luật.  

Từ nhiếp ảnh, phim tài liệu, phỏng vấn, tới sắp đặt âm thanh, video thử nghiệm và tư liệu tìm thấy, Thanh Mai sử dụng đa dạng chất liệu và phương tiện – trước hết là để từ tốn bước vào cộng đồng, sau đó là để nhẹ nhàng di dời và cắt ghép những mẩu chuyện đời họ chia sẻ với chị, và sau cuối là để tái hiện – một cách thành thật nhất có thể – cảm thức về sự mất mát, sự mắc kẹt, cũng như thứ hiện thực bất khả vãn hồi của một cộng đồng bị bật rễ, không chỗ neo đậu, không thuộc về đâu. Nếu như giai đoạn đầu của dự án (được thực hiện năm 2014–2015, dưới tựa Ngày qua ngày) vẫn còn mang màu sắc của hy vọng, thì ở giai đoạn kế tiếp (được thực hiện năm 2017–đang tiếp diễn, dưới tựa Những quang cảnh đen), thế giới thị giác của Thanh Mai dần trở nên u ngầm, giản kiệm, tượng trưng cho một Tonlé Sap – do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và đặc biệt là bởi chuỗi dự án ngăn sông xây đập thuỷ điện dọc dòng Mekong – mà trở nên cạn kiệt sức sống.

Phần 1 của trưng bày tạm kết ở Trạm mở (tức giai đoạn mới nhất của dự án, sẽ bắt đầu vào tháng 02 năm 2023 khi Thanh Mai quay trở lại Campuchia để tiếp tục làm việc). Là không gian mang tính thử nghiệm, Trạm mở sẽ được hiện thực hoá trong suốt thời gian trưng bày diễn ra (kéo dài tới tháng 6 năm 2023). Bao gồm tài liệu tham khảo, tư liệu ghi chép, hình ảnh thu thập trong quá trình thực địa, cũng như phác thảo, đề xuất, suy tư của Thanh Mai về bước đi phù hợp tiếp theo, Trạm mở có thể được coi là thư viện giới thiệu ngữ cảnh phông nền của dự án; đồng thời đóng vai trò là cái nôi của đối thoại giữa nghệ sĩ, giám tuyển, người xem nghệ thuật và công chúng nói chung. 

Phần 2, diễn ra tại EMASI Vạn Phúc

Phần 2 của Chẳng còn, chưa tới giới thiệu thực hành và mối quan tâm của tập thể lớn hơn mà Thanh Mai thuộc về – cộng đồng nghệ sĩ đương đại ở Thành phố Huế – với trọng tâm xoay quanh Dự án Bờ thành. Được khởi xướng vào đầu năm 2021 bởi Thanh Mai cùng đồng nghiệp và bạn bè, với sự tham gia của gần 20 nghệ sĩ, Dự án Bờ thành tiếp tục mạch suy tư của trưng bày về sự bật rễ và buộc phải di dời của những cộng đồng bị lề hóa – điển hình ở đây là hàng nghìn hộ gia đình sinh sống tại khu vực bờ thành. Kinh thành Huế có ba vòng thành lần lượt là Kinh thành, Hoàng thành và Tử Cấm thành. Sau năm 1945 và suốt các thập kỷ sau, người dân tứ xứ bởi chạy chiến tranh mà vào sống men theo tường Kinh thành và khu vực Eo Bầu, dần dần hình thành các cụm dân cư tự phát; họ dựng nhà, trồng hoa màu và làm nhiều ngành nghề khác nhau. Năm 2019, Thừa Thiên Huế khởi động đề án ‘Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế’, được thực hiện từ năm 2019 đến năm 2025. Trong nhiều năm qua, biết bao gia đình ở Thượng thành đã bị di dời ra khu tái định cư, bỏ lại phía sau một không gian đổ nát, ngổn ngang; một quá khứ bị san phẳng, chực chờ ngày hoàn toàn biến mất. 

Mặc dù cùng xoay quanh mối quan tâm chung với lịch sử, di sản, văn hoá, kiến trúc, quy hoạch, chính sách, ký ức của cá nhân và cộng đồng, nhưng các nghệ sĩ trong dự án đều tiếp cận vấn đề theo những phương pháp và cách thức khác nhau. Nếu như Hoàng Ngọc Tú, Nguyễn Hóa, Nguyễn Văn Hè, Xuân Hạ và Trần Tuấn thu gom, sử dụng vật liệu có sẵn và đồ vật tìm thấy để tái mường tượng (qua điêu khắc, sắp đặt và video) các không gian và vật thể thường gắn liền với khái niệm và biểu tượng gia đình–tổ ấm, thì tác phẩm của Ngô Đình Bảo Châu, Phụ Lục, Đào Tùng và Dương Thanh Quang lại là những cử chỉ đầy tính khái niệm và trình diễn, kích thích trí tưởng tượng của người xem trước những khái niệm như thời gian, nơi chốn. Nếu Uyên Minh, Hồ Anh Vũ và nhóm sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Huế (Trần Châu Nhi, Nguyễn Văn Tôn, Nguyễn Đức Niệm và Viễn Phương) – qua ngòi bút kí hoạ và ống kính máy ảnh, máy quay – ghi lại quang cảnh khi thì chơ vơ, khi lại làm lộ ra những góc vườn hay khoảnh khắc duyên dáng của bờ thành mà ta chưa từng đặt chân đến hay ngắm nhìn; thì Lê Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Khánh Anh và Nguyễn Thị Thanh Mai lại sử dụng hành vi thường nhật (làm thân, trò chuyện và ghi chép) để cố gắng nắm bắt và ghi lại những giấc mơ, những cuộc đời vẫn (phải) tiếp tục của người dân bờ thành. Dù ở hình thái hay chất liệu nào, dù qua con mắt trị liệu nào, các tác phẩm – tựu trung – đưa người xem tới nỗi băn khoăn vẫn còn bị bỏ ngỏ: những thay đổi và dịch chuyển mà ta không thể tránh khỏi – chúng rồi sẽ đưa không gian, lịch sử, ký ức và con người tới bờ bến nào? Quá trình ta mất phương hướng, để rồi tái định hướng, đã và sẽ diễn ra ra sao? Và, vai trò của nghệ thuật và nghệ sĩ ở đâu trong hành trình này? 

Giải thưởng Nghệ sĩ xuất sắc được quản lý bởi
51f41e02 2540 4b32 84db 143d2786bf52Trưng bày ra mắt được tổ chức bởi

Nguyenartfoundation Newlogo Black
Đồng tài trợ

Nguyenartfoundation Newlogo BlackRoh 08Chu Foundation 08 1

Fcac Logo New