Nguyễn Trinh Thi
-
Loạt phong cảnh số 1
Làm thế nào để cải tiến thế giới đưa người xem tới một ngôi làng của người Jrai trên vùng Tây Nguyên, Gia Lai. Bộ phim bắt đầu với âm thanh – có thể là tiếng búa, hay cũng có thể là tiếng cồng. Khi không có hình ảnh, ta khó có thể xác định âm thanh này xuất phát từ đâu. Cảnh quan hiện ra: một cánh đồng trống; ở đó, một người nông dân chăn thả đàn bò. Dần dần, ta nhận ra rằng âm thanh bắt nguồn từ các loại nhạc cụ bản địa đến từ thế giới của Ksor Sep [nhân vật chính xuất hiện trong phim] – một nền văn hoá nơi kiến thức về/từ âm thanh đóng vai trò là không gian trọng tâm của ký ức tập thể. Từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh; tới hướng dẫn chơi đàn ting ning (một nhạc cụ dây được làm từ ống cây lồ ô); tới những buổi họp mặt gia đình quây quần quanh bình rượu nơi sử thi truyền miệng được kể đi kể lại – qua những trần thuật này, Trinh Thi khẩn cầu người xem suy ngẫm về cách thức mà hình ảnh đang chiếm vị trí áp đảo trong cuộc sống đô thị đương đại. Các thước phim về cuộc sống làng quê (cảnh con chiên đi lễ nhà thờ hát thánh ca, được đệm nhạc bởi nhạc cụ truyền thống; cảnh tế trâu cho những linh hồn đã khuất) xen kẽ cuộc trò chuyện giữa nghệ sĩ và Ksor Sep. Kể từ khi theo đạo Công giáo, Ksor Sep không còn mơ về các linh hồn, và kể từ khi người Kinh tới lấn chiếm, đất đai cha ông anh từng chăm bón cũng chẳng còn. Chỉ bằng âm thanh, anh lần theo dòng ký ức. Đâu đó, giọng nói của Trinh Thi vang lên với câu hỏi dành cho con gái của cô: “Ký ức đầu tiên của con là âm thanh hay hình ảnh?”. “Hình ảnh”, đứa bé trả lời. Qua lắng kính mang tính quan sát, bộ phim phô bày mối quan hệ đối nghịch trong nhận thức của chúng ta về âm thanh và hình ảnh. Những đối lập trong mối tương quan giữa thực hành nghi lễ tâm linh và sự lạm dụng công nghệ (điện thoại thông minh) ám chỉ một đời sống hiện đại ngày càng hướng tới những “tiến bộ xã hội”, trong khi hệ giá trị đến từ các tập quán bản địa lại ngày càng suy giảm. Qua bộ phim, Trinh Thi tôn vinh thế giới cảm quan của tâm thức con người (thứ đang dần đi vào quên lãng), đồng thời chua chát chất vấn người xem trong chính tựa đề của tác phẩm: “How to improve the world?” (Làm sao để cải tiến thế giới?).
(Trích từ Kadist)