Nguyễn Trinh Thi
-
Làm thế nào để cải tiến thế giới
Trong tác phẩm video đơn kênh Sê-ri Phong cảnh #1, những hình ảnh có vẻ liên quan tới nhau trải ra một câu chuyện đầy hoài nghi. Với mỗi tiếng lách cách lạnh lùng phát ra từ loa phá vỡ bầu im lặng, trên màn hình đều đặn xuất hiện và biến mất hình ảnh của những người khác nhau, di chuyển trong những quang cảnh cũng khác nhau. Mỗi người trong số họ đều đứng lệch trung tâm, không nổi bật và chẳng có gì đáng để nhớ – hệt như phong cảnh phía sau. Kì lạ là, tất cả trong số họ đều mang cùng một dáng vẻ: nửa thân người hướng về chúng ta, nửa còn lại hướng về một ai đó, một thứ gì đó nằm ngoài khung hình; ai ai cũng chỉ tay vào một ai đó, một thứ gì đó không xác định được, hoặc, có thể không được tiết lộ. Trông họ như thể đang đồng loạt thì thầm, “Tôi đã ở đây; tôi đã chứng kiến; tôi có quyền chỉ.”
Thực tế những tấm hình này được chụp bởi vô vàn phóng viên ảnh ở Việt Nam, và được nghệ sĩ sưu tầm từ các tờ báo mạng địa phương chính thống và phổ biến, cho thấy sức mạnh định hướng của truyền thông và sự chi phối của nó tới cảnh quan thị giác của chúng ta. Với phần nội dung và chú thích bị lược bỏ, sự bất ổn định và kịch nghệ của những tấm hình hiện ra rõ rệt hơn. Sự thiếu vắng ngữ cảnh càng tô đậm thêm sự bất khả thi của nhiếp ảnh báo chí trước chức năng ghi lại sự thật qua lăng kính của mình; đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: những hình ảnh này bị chi phối bởi chủ đích của ai, liệu chúng có phải là một phần của trò chơi chính trị? Bằng việc xoá nhoà gần như hoàn toàn thông tin phông nền của những tấm hình, và di dời chúng vào không gian nghệ thuật, Thi đã tạo ra cảm giác về khoảng cách và sự biến vị. Độ “lệch” này sau đó lại sinh ra cảm giác chênh vênh và vong thân, khiến chúng ta – ở cả vị trí người sản xuất lẫn người tiêu thụ truyền thông – phải đặt ra những chất vấn đạo đức – Liệu ta có thể, và có nên, tin vào những gì mắt mình nhìn thấy trên màn hình?