Nguyễn Mạnh Hùng
-
Xe cứu hoả (URAL)
Vẫn chung thành với phương pháp bắt cặp các biểu tượng đối lập cũng như cá tính hóm hỉnh đặc trưng trong nghệ thuật của mình, Tất cả khởi hành và Nơi ẩn số 2 thuộc bộ tác phẩm mới nhất của Nguyễn Mạnh Hùng, xoay quanh khái niệm hậu kiếp. Là một học trò tận tâm của triết học Phật giáo, Hùng diễn giải rằng cái chết như một cuộc đi mà trong đó nghiệp là hành trang chứa đựng cả việc tốt lẫn việc xấu trong cuộc đời mỗi con người. Một số người chuẩn bị cho hành trình hậu kiếp của mình bằng những nghi thức mai táng cầu kỳ, số khác lấp đầy hành lý của họ chỉ với nghiệp tốt, với hy vọng điều đó sẽ đưa họ đến một vùng đất có khi chẳng hề hiện hữu. Tái hiện nơi tác phẩm là cảnh những đội quân được trang bị vũ khí đang ra sức bảo vệ, hoặc đám đông điên cuồng tranh nhau chấp chới bám vào những cánh cổng thiêng thuộc các tôn giáo khác nhau, những vật thể có tính nghi lễ, và kiến trúc tôn giáo trang nghiêm – được xem là nơi linh thiêng để người ta bày tỏ lòng tôn kính tới các vị thần. Tác phẩm bông lơn xoáy vào nỗi ám ảnh của người còn sống về thiên đường — một vùng đất vượt quá tầm hiểu biết của người trần mắt thịt. Mặc dù đa số tôn giáo đều tin vào hậu kiếp, mỗi bên đều có cách diễn giải riêng về thiên đường, cũng như việc ai có thể đặt chân vào nơi đó. Giáo lý của những tôn giáo này thường xem thiên đường như một điều kiện hơn là một nơi chốn cụ thể. Cái chết, do đó, luôn mang tính cá nhân, và đặc thù: việc ta sống như thế nào chính là cách ta chuẩn bị cho hành trình này và những gì chờ đợi ta ở phía bên kia.
(Biên tập từ văn bản cung cấp bởi Galerie Quỳnh)