Lê Quý Tông
-
Cầu Long Biên
Chọn lựa ảnh tài liệu chụp lại các buổi họp hay cuộc biểu tình quan trọng và có tầm ảnh hưởng tới tiến trình lịch sử, có nguồn gốc từ các kênh truyền thông đại chúng và kho lưu trữ, sau đó đặt để, phân tách và sắp xếp chúng lại theo một trật tự mới đầy lạ kỳ, các tác phẩm của Lê Quý Tông khiến người xem khó có thể giải mã đâu là thật, đâu là hư ảo, đâu đã bị bóp méo. Vượt ngoài tầm kiểm soát của thời gian, xóa đi các đường biên trong một nỗ lực tìm hiểu về xung đột chính trị toàn cầu, những hình ảnh trong tranh Tông hiện lên mờ nhạt, như nhắc nhở ta về sự cách biệt giữa hình ảnh tư liệu và trải nghiệm gốc. Tách rời khỏi tự sự của riêng chúng, những bức ảnh gốc được Quý Tông tái ngữ cảnh bằng cách đặt chung vào một phóng chiếu tập thể, cốt để đào sâu vào những phong trào đòi tự do xuyên suốt lịch sử Việt Nam và thế giới. Những vệt màu giả ố góp phần đẩy cao tông màu lịch sử của hai sê-ri Lam và Vàng Ròng, trong khi các đường nét lặp lại và hệ tọa độ hình học tạo nên cảm giác chảy trôi và linh động. Những lớp sơn dầu trở thành biểu tượng cho những tầng nghĩa mà người xem có thể đọc được từ tác phẩm, tổng hòa lại để tạo nên một cảm giác hoang mang khó hiểu. Những con chữ văn bản bị đảo ngược và phân rã – một ẩn dụ về thông tin, dù sai hay đúng, sau khi đã được sàng qua màng lọc của con người, thế hệ, và rơi rớt vào hiện tại. Danh tính của những người trong ảnh bị xóa mờ; từng nhóm người teo biến lại thành những khối hình, đường nét – một minh chứng cho thấy Tông không tập trung vào cá nhân đơn lẻ, mà vào hiệu quả của sức mạnh tập thể.
Tác phẩm được trưng bày lâu dài tại trụ sở chính của công ty Khai Sáng, Paragon, TP. HCM.
(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi nghệ sĩ)