Võ An Khánh
-
Trạm quân y dã chiến trong tình hình địch phá rừng U Minh 1970
Đoàn người nữ đi bộ thẳng hàng trong rừng đước. Những cán bộ cách mạng nhìn như một đoàn hành hương đang sùng đạo thi hành nghi lễ, mắt họ hé nhìn qua lỗ hổng trên màn che mặt. Trong lãnh thổ địch, những cán bộ nữ này thường giả trang đóng vai bán hàng rong ngoài chợ để điều tra địch tình, làm giao liên, cất giấu vũ khí. Trong cabin bí mật ở rừng, họ học tập chiến thuật du kích và nâng cao ý thức chính trị, theo lời kể của Võ An Khánh. Những chiếc mặt nạ che giấu danh tính cá nhân của mỗi người, phòng trường hợp bị bắt giữ và thẩm vấn. Tâm điểm hay punctum của bức ảnh, chi tiết nhói đâm, xuyên thẳng người xem như Roland Barthes viết, nằm ở những tấm màn che mặt mỏng mềm, sáng rực này. Trong các cuộc phỏng vấn với báo chí, Võ An Khánh nhấn mạnh rằng các cán bộ đeo mặt nạ để giữ gìn cho nhau và bảo mật đường dây liên lạc. Tức là cử chỉ thực tiễn, chứ không phải động tác khủng bố hay cuồng tín như một người xem xa lạ có thể tưởng tượng. Tuy vậy bức hình vẫn toả ra khí quyển bất ổn, chuyển lệch, không chỉ do những mặt nạ rùng rợn mà cả những hình dong linh hoạt của đoàn người nữ. Cơ thể họ cùng lúc ôm mang cả chuyển động lẫn yên tĩnh. Họ uyển chuyển đi lại bằng chân trần dọc cây cầu gỗ bấp bênh, không nao mình trước hiện diện của máy ảnh. Diện mạo họ thanh lịch với trang phục đa dụng, không rườm của tầng lớp lao động ở vùng châu thổ Cửu Long: khăn rằn trùm đầu, quần phi đen bóng, áo bà ba cài khuy nhẹ nhõm chiết eo. Dãy mặt nạ trắng tự cắt bằng tay đã làm lạ, làm giàu thêm hiện diện thôn dã khiêm tốn của họ với một hương vị dịu dàng mê ám.
Tác phẩm được trưng bày lâu dài tại trụ sở chính của công ty Khai Sáng, Paragon, TP. HCM.
(Được biên tập từ trích đoạn văn bản cung cấp bởi Sàn Art)