Nguyễn Quốc Chánh

-

Khuôn và Mẫu 1

2016

Gốm tráng men

60 x 44 x 28 cm

Vốn nhận thức rõ những hình dung mường tượng về gốm Biên Hoà trong và ngoài nước, Chánh viết trong lời tựa cho tác phẩm, “Thay vì ôm ấp hoài niệm hay sản xuất theo đơn hàng, tôi chọn sử dụng đất sét, men, cũng như kỹ thuật địa phương để khơi gợi lại tâm thế ‘chiết trung’ của nghề gốm Biên Hoà, xoá nhoà ranh giới giữa mỹ nghệ và mỹ thuật, giữa xúc cảm và ý niệm.”

Khi Nguyễn Quốc Chánh nhào nặn sê ri điêu khắc gốm mới đây của anh với tư tưởng ‘Du kích’, anh đã tạo ra vị thế vững chãi cho các tác phẩm của mình trong ký ức lịch sử và văn hoá Việt Nam. Để thấu hiểu quá trình này, ta hãy cứ hoán đổi hình ảnh một người lính ẩn náu trong rừng rậm chờ cơ hội với hình ảnh người hoạ sĩ tìm lượm và trưng dụng những chất liệu có sẵn trong tự nhiên. Sau cùng, quá trình đó vừa kết tụ các biểu tượng đa dạng, vừa tách rời chúng khỏi lớp nghĩa đơn điệu mà các thể chế tục lệ áp đặt lên chúng. Thoạt trông, trưng bày nhìn có vẻ hỗn độn, nhưng bất cứ người Lính du kích nào cũng buộc phải đối mặt với hỗn loạn trước khi chạm đến thế cân bằng. Như chính Chánh đã nói, cân bằng là con chuột vẫn chạy rúc rích giữa những lằn ranh định sẵn bởi con mèo vẫn còn chưa xơi tái nó.

Nếu những tác phẩm này có thể kể chuyện, thì câu chuyện đó hẳn sẽ vươn lên khỏi những tù túng bó hẹp của phong cách và thể loại. Ta có thể thấy tầm đa dạng ảnh hưởng trong các khuôn gốm: từ những biểu tượng dân gian trong tranh khắc gỗ Đông Hồ đến những khuôn mặt Phật Bayon hiền từ ở Angkor Thom và Đảo Phục Sinh. Chánh thường không tự làm ra những chiếc khuôn này; trái lại, anh tìm thấy chúng đang bám bụi trong studio đi thuê ở Biên Hoà. Theo cách này, các tác phẩm của anh cũng vay mượn từ muôn vàn lịch sử khác nhau, nhào nặn qua tay bao thế hệ nghệ nhân đến từ những bối cảnh văn hoá chính trị khác biệt. trong chiến dịch Du kích của Chánh, chúng trở thành vật liệu với đời sống mới, song hành cùng những ký hiệu đương đại trên cùng lớp chất nền: những khuôn đúc hình thẻ tín dụng hay hình đầu những đứa trẻ chơi đá banh, cũng những hình ảnh mượn từ các tấm phù điêu đắp nổi trên mặt tiền Chợ Bến Thành. Trong lúc thu thập các công cụ này, Chánh đóng vai trò một nhà sưu tầm lẫn một kẻ đả phá. Những mô-típ dễ nhận này tuy tồn tại liên đới nhưng lại đồng loạt biến thành xa lạ qua bàn tay của sự vô trật tự mơ hồ. Qua đó, nghệ sĩ đạt đến cảnh thức hiệu ứng nghệ thuật trừu tượng và lôi cuốn. (Phần miêu tả của nghệ sĩ)