Điềm Phùng Thị và Sự chuyển hóa những Mẫu tượng

12 tháng 08 năm 2022
Trò chuyện trực tuyến

Trò chuyện cùng Lê Thuận Uyên

Trong buổi trò chuyện trước thuộc khuôn khổ chương trình cộng đồng của Phổ Hiếu Kỳ, chúng ta hiểu hơn về một vài thực hành giao thoa giữa nghệ thuật và khoa học. Tuy nhiên, ta cũng ít khi được chứng kiến rõ ràng cuộc gặp gỡ giữa hai ngành này. Cũng như các nghệ sĩ trong trưng bày Phổ Hiếu Kỳ, với cách trình hiện tác phẩm có thể không liên đới trực tiếp đến khoa học, phương pháp luận trong sáng tác của cố điêu khắc gia Điềm Phùng Thị cũng ẩn chứa một logic tương ứng với những phương thức khoa học. Được biết đến như một trong những điêu khắc gia quan trọng nhất của Việt Nam, Điềm Phùng Thị (1920–2002) bắt đầu sự nghiệp sáng tác ở Paris ở tuổi 39 sau khi từ giã nghề nha sĩ. Bà được biết đến chủ yếu qua hệ thống bảy mẫu tự vừa tinh giản vừa đột phá – hay còn gọi là bảy chữ cái, bảy nốt nhạc, hay bảy mẫu tượng – có khả năng kiến tạo vô số hình thái khác nhau. Liệu việc đào tạo và kinh nghiệm có được từ ngành y học đã ảnh hưởng lên cách thức sáng tác nghệ thuật của Điềm Phùng Thị đến mức nào?

Diễn giả Lê Thuận Uyên kể câu chuyện sơ bộ về chuyến hành trình vào nghệ thuật của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, cũng như cách mà thực hành khoa học trước đây đã ảnh hưởng lên nghệ thuật của bà. Uyên cũng mở rộng thêm để bàn về mối quan hệ phức tạp giữa khoa học và nghệ thuật ở giữa thế kỷ 20 ở châu Âu, giây phút khi Điềm Phùng Thị bắt đầu bước chân vào con đường sáng tác.

Sự kiện này thuộc chuỗi chương trình giáo dục và cộng đồng xoay quanh Phổ Hiếu Kỳ, một triển lãm do Nguyễn Art Foundation tổ chức.