NGƯỜI PHÁ RÀO, KẺ NỔI LOẠN, GÃ LẬP DỊ
KHÔNG GIAN TRƯNG BÀY
Nguyễn Art Foundation (NAF) trân trọng giới thiệu Gieo nhịp cử chỉ (do Thái Hà và Nhật Võ giám tuyển) và Tạp âm trắng (do Vân Đỗ giám tuyển) – hai trưng bày song hành với sự tham gia của 19 nghệ sĩ với các tác phẩm trong và ngoài khuôn khổ của bộ sưu tập NAF. Hai trưng bày sẽ diễn ra đồng thời tại khuôn viên hai trường học EMASI Vạn Phúc (TP. Thủ Đức) và EMASI Nam Long (Quận 7) từ tháng 08 năm 2023 tới tháng 01 năm 2024.
—
Tại Gieo nhịp cử chỉ, nghệ phẩm nhảy múa. Nhịp nhàng, chúng chuyển động cùng chất liệu tạo thành. Nhào lộn từ trần nhà xuống mặt đất, chúng bắt nhịp theo bàn tay tạo tác, biến tấu cử chỉ của các tác giả – những người mà đối với họ, nghi thức sáng tạo nghệ thuật cũng như thể khiêu vũ.
Khiêu vũ khai phóng cơ thể, là hành động kết nối tần số âm thanh và chuyển động vạn vật với những rung cảm ẩn sâu dưới lớp gân cơ. Tại Gieo nhịp cử chỉ, sáng tạo nghệ thuật, cũng giống như khiêu vũ, được coi là không tồn tại với mục đích sau cuối là chuyển hoá vật liệu thành vật thể. Bởi khi khiêu vũ, da thịt là vật liệu; vậy nên thứ được tạo thành cũng chẳng phải vật thể, mà là một thân thể chuyển động: thở, sống, nhảy múa – tích tắc trong chính thời khắc của nó. Trong Eye and Mind* (tạm dịch: Con mắt và tâm trí), Maurice Merleau-Ponty viết rằng nghệ thuật gắn liền với cơ thể: “bởi người nghệ sĩ cho vạn vật mượn cơ thể mình, mà vạn vật trở thành hội hoạ”. Vậy thì trong sáng tạo nghệ thuật, cớ gì tác giả không khiêu vũ? Với mỗi chuyển động, họ cho đi cơ thể họ, cho đi cả ký ức da thịt. Tuôn trào ra từ thân thể khiêu vũ của người nghệ sĩ, nhịp điệu thấm nhuần vào nghệ phẩm, và rồi nghệ phẩm lại tiếp tục nhảy múa, ngân vang để mà hiện hữu trong vạn vật.
Tại Gieo nhịp cử chỉ, các tác phẩm của Phan Thảo Nguyên, Trương Công Tùng, Trần Lương, Lê Hoàng Bích Phượng, Nguyễn Minh Thành, Ngô Đình Bảo Châu, Nguyễn Quang Huy, Tuấn Andrew Nguyễn và Nguyễn Đức Phương rộn lên nhịp nhàng từ huyền thoại, phép thuật và chiêm bao. Tại đây, khán giả cũng được mời gọi để bắt nhịp theo vũ điệu của sáng tạo nghệ thuật, hoà mình cùng giai điệu nội tại của cơ thể sáng tạo.
*Trong tiểu luận Eye and Mind (Tạm dịch: Con mắt và tâm trí) xuất bản năm 1964, triết gia Maurice Merleau-Ponty viết về cách cơ thể nhận thức và liên kết với những vật thể khác trong môi trường xung quanh. Qua hội hoạ, người nghệ sĩ trao cơ thể cho thế giới và mở rộng nhận thức của mình thông qua chính cơ thể đó. Họ cảm nhận thế giới qua những tương tác, động chạm, và cùng lúc thế giới ấy cũng hiển lộ bản chất của nó trước người nghệ sĩ.
—
Trưng bày song hành Tạp âm trắng diễn ra tại khuôn viên trường học EMASI Nam Long (Quận 7) với sự tham gia của các nghệ sĩ Đào Tùng, Trần Tuấn, Nguyễn Phương Linh, Lại Diệu Hà, Nguyễn Huy An, Đỉnh Q. Lê, Nguyễn Trần Nam, Jeamin Cha, Cam Xanh và Nguyễn Trung. Để đọc thêm thông tin, vui lòng truy cập trang web của trưng bày.